Nông Bá Khu

Tư vấn về trường hợp tạm giữ người theo pháp luật tố tụng hình sự

Bị vu oan ăn trộm tiền, công an tạm giữ người có đúng theo quy định pháp luật không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính chào anh chị : Em có trường hợp này muốn nhờ anh ( chị ) tư vấn dùm em ạ. Em có cháu gái năm nay 16 tuổi, cháu đi làm ở Cty bánh kẹo cho Vợ chồng người anh chị họ bên nhà Bố đẻ của cháu. Trong thời gian làm việc cháu ăn ở tại nhà anh chị và đi làm...Ngoài thời gian làm việc thì cháu không đi chơi cũng không về thăm gia đình. Nhưng cách đây không lâu cháu bị gia đình anh chị vu oan cho là lấy 25 triệu đồng. Và gọi công an phường tới bắt cháu đưa tới đồn công an. Sau khi thẩm vấn cháu không khai nhận gì. Họ đã còng tay cháu lại và sau đó nói đưa đi giam. Nhưng có người anh là người mà cháu em làm và ở đó gọi điện thì họ đã thả cháu về. Vậy anh chị cho em hỏi là việc họ còng tay cháu em như vậy là đúng hay sai? Và theo luật thì sẽ thi hành và xử lý như thế nào ạ? Họ có quyền giữ cháu của em để điều tra không ạ? Mong anh chị giải đáp ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, về vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Chúng tôi tạm thời không bàn đến việc cháu gái bạn có bị vu oan hay không, trên phương diện pháp luật thì có thể xác định trường hợp của cháu gái bạn như sau:

 

Phía gia đình bên kia khi phát hiện bị mất trộm tiền thì đã đã đến cơ quan công an để khai báo về việc mất và đưa ra tin báo về tội phạm, cơ quan công an tiếp nhận tin báo và thực hiện đúng theo nhiệm vụ, thẩm quyền của mình:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

 

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm...”

 

Ngoài ra, Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định như sau:

 

Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

 

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

 

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

 

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

 

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

 

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

 

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

 

Do đó, cơ quan công an có thể yêu cầu cháu gái bạn đến trụ sở cơ quan công an phường đề tiến hành xác minh vụ việc. Trong quá trình điều tra thì cơ quan công an có thể tạm giữ người để tiến hành điều tra. Tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị bắt trốn việc điều tra, xác minh, và để quyết định việc khởi tố bị can, tạm giam hoặc trả tự do cho người bị bắt, cụ thể điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ như sau:

 

Điều 118. Thời hạn tạm giữ

 

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

 

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

 

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

 

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

 

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”.

 

Về việc bạn nói cháu gái bạn bị còng tay và nói là đưa đi giam thì thông tin rất mơ hồ, không rõ ràng nên chúng tôi chua thể tư vấn một cách chính xác nhất cho bạn được mà chỉ có thể đưa ra quy định pháp luật dự liệu trong trường hợp của bạn như ở trên. Nếu còn gì thắc mắc thì bạn có thể gửi lại câu hỏi hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi.

 

Trân trọng!

 Cv. Vũ Hà – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo