Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về tội hoạt động phỉ

Tội hoạt động phỉ được quy định cụ thể tại Điều 83 Bộ luật hình sự. Đó là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân.

 

1. Cơ sở pháp lý.


Căn cứ tại Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội hoạt động phỉ cụ thể là:


"Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:


1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;


2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm".

 

2.  Dấu hiệu pháp lý:


- Khách thể của tội phạm: là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.


- Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện qua những dấu hiệu sau:


+ Hoạt động vũ trang là dấu hiệu đặc trưng của hoạt động phỉ. Quy mô hoạt động vũ trang có thể là lớn, vừa hoặc nhỏ tùy từng nơi, từng lúc. Nếu như ở tội bạo loạn người phạm tội cũng có hành vi  hoạt động vũ trang thì đó là hành vi mang tính chất công khai còn trong tội hoạt động phỉ thì hành vi được thực hiện theo phương thức lúc ẩn, lúc hiện, không công khai với chính quyền.


+ Dấu hiệu địa điểm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.


Hoạt động thổ phỉ xảy ra ở vùng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác. Người phạm tội lợi dụng các địa hình nói trên để tiến hành các hoạt động vũ trang.


+ Hành động giết người, cướp tài sản thường được thể hiện như giết cán bộ, công an, bộ đội, nhân viên nhà nước, giết nhân dân, giết cán bộ cốt cán ở địa phương.


- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ những hành vi nói trên nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện được hành vi đó. Mục đích là chống chính quyền nhân dân.


- Chủ thể: là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.


3. Hình phạt:


- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.


- Những người đồng phạm khác, tức những người không thuộc loại nêu trên bị phạt tù từ 5 đến 15 năm.

 

Trân trọng!

Chuyên viên Nguyễn Yến - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo