Phạm Việt Hằng

Tư vấn về sự việc liên quan đến tội cố ý gây thương tích

Trong lúc tôi đang làm việc tại vị trí thủ kho. Xe đến lấy hàng, tôi đã giao hàng cho bốc xếp và xe nâng. Sau đó, hung thủ gọi điện cho tôi nói: có xe tiếp vào lấy hàng, tôi bảo: Em chưa nhìn thấy đâu.


Tôi đi lên hướng cổng chính của công ty cũng muốn xem xe đó đến chưa thì đi đến trước cửa kho làm việc của tôi thì gặp hung thủ đi ngược chiều từ hướng cổng chính xuống, hung thủ bảo: mày làm kho kiểu gì đấy, xe đến thì phải lên tận cổng công ty để đón xe. Tôi bảo: Em không, xe nào đến lấy hàng thì phải gặp em, em mới giao được hàng, vì em có rất nhiều xe đến lấy hàng. Hung thủ chửi: mày không biết thủ kho ở đây làm thế nào à, mày muốn làm bố tướng à. Sau đó liền đấm tôi vào mắt trái, và tiếp tục rút dao ở túi quần phải, đâm thẳng vào người tôi. Thấy vậy, tôi đã dung tay phải đỡ và bị 2 nhát dao của hung thủ. Thấy Hung thủ( A) hung hãn quá, tôi bỏ chạy lên phòng bảo vệ của công ty với ý định nhờ sự can thiệp của bảo vệ. Nhưng A vẫn đuổi tôi lên tới phòng bảo vệ, mặc cho có sự can thiệp của nhân viên bảo vệ, A vẫn tiếp tục tấn công tôi. A đã dùng gạch, chậu thau nhôm để tiếp tục tấn công tôi.

Hậu quả là tôi bị: - Đứt gân tay, đứt dây thần kinh trụ tay phải;

- Vỡ xương gò má trái

* Do A có quan hệ nên rất coi thường pháp luật, đến giờ chưa hỏi thăm hay đền bù gì cho tôi. Trước đó tôi không có mâu thuẫn gì, và lúc xảy ra sự việc cũng không to tiếng gì.
Tôi đã đi giám định , kết quả giám định đã có nhưng công an chưa cung cấp. Do cảnh lao động thu nhập trả được là bao không có tiền để chạy trọt. Xin chân thành nhờ đoàn luật sư Minh Gia tư vấn cho tôi vụ việc này. Để tôi có thể đưa hung thủ ra trước pháp luật.

Trân thành cám ơn các luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi giải đáp như sau:

 

Thứ nhất, theo thông tin mà bạn cũng cấp, hành vi của A có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

...

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

...”

 

Như vậy, căn cứ vào mức độ tổn thương cơ thể của bạn để xem xét người phạm tội thuộc một trong các trường hợp nào nêu trên.

 

Thứ hai, về trình tự thủ tục thực hiện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

 

Theo Khoản 1 Điều 20 Luật Hiến pháp Việt Nam 2013: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

 

Và căn cứ Điều 11 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng hình sự như sau:

 

“Điều 11. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân

 

Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

 

Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.

 

Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”

 

Do đó, việc A có hành vi xâm phạm đến thân thể, tính mạng, sức khỏe của bạn, bạn sẽ có quyền được pháp luật bảo vệ. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có quyền trình báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật của A căn cứ theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.”

 

Và khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

 

“Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

 

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

 

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

 

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

 

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

 

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

 

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

 

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật thì bạn có quyền khiếu nại hành vi sai phạm của cá nhân, tổ chức đó theo quy định tại Điều 469, 470 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

“Điều 469. Người có quyền khiếu nại

 

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

...”

 

“Điều 470. Các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại

 

1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này.

 

2. Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.”

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo