LS Nguyễn Thùy Dương

Tư vấn về nhận lại xe bị cơ quan công an tạm giữ

Mấy tháng trước tôi có điều khiển xe máy gây tai nạn làm 1 người chết, nhưng gia đình chúng tôi và gia đình họ đã thỏa thuận với nhau đền bù tiền và không đi ra pháp luật. Còn chiếc xe máy gây tai nạn được công an giữ. Giờ người nhà chúng tôi ra làm thủ tục nhận lại xe nhưng mức phạt quá cao tới 50 triệu. Trong khi đó xe đầy đủ giấy tờ,bằng lái, bảo hiểm và khi điều khiển xe tôi không bị say xỉn gì hết.Tôi không hiểu phạt vì lỗi gì mà nặng thế?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 như sau:


Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

Theo đó, nếu bạn tham gia giao thông mà có hành vi đi sai dẫn đến hậu quả chết người thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1- Điều 260 – Bộ luật Hình sự 2015 như đã trích dẫn ở trên.

Về chiếc xe của bạn, sẽ được coi là vật chứng trong vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng Hình sự có quy định về vật chứng như sau:

 

Điều 89. Vật chứng

 

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

 

Điều 106. Xử lý vật chứng

 

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

 

2. Vật chứng được xử lý như sau:

 

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

 

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

 

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

 

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

 

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc

người quản lý hợp pháp tài sản đó;

 

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

 

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

 

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

 

Theo quy định trên, nếu xét thấy hành vi của bạn cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và chiếc xe được coi là phương tiện phạm tội trong vụ án thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.

 

Ngoài ra, Điều 126 – Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:

 

Điều 126. Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

7. Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật này.

 

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.

Như vậy, khi thu giữ phương tiện theo thủ tục hành chính thì sẽ phát sinh chi phí lưu kho, phí bến bãi, bảo quản tang vật và các khoản chi phí khác,… tuy nhiên trên thực tế những khoản chi phí này cộng lại không thể đến con số 50 triệu đồng. Nếu vụ án chưa qua xét xử thì 50 triệu đó cũng không được công nhận là hình phạt tiền trong vụ án hình sự. Bạn cần liên hệ lại với cơ quan có thẩm quyền để được giải thích rõ về số tiền phải đóng.

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 như sau:

 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA có quy định như sau:

"1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:

a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:

- Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

- Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan"

Nếu cơ quan công an không khởi tố vụ án hình sự thì bạn được trả lại xe.

Nếu bạn có hành vi vi phạm trong khi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông thì sẽ bị cơ quan công an xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Bạn cho rằng trong khi điều khiển xe gây tai nạn xe đầy đủ giấy tờ,bằng lái, bảo hiểm và khi điều khiển xe bạn  không  bị say xỉn. Những thông tin do bạn cung cấp chưa thể xác định chính xác bạn có hành vi vi phạm gì không. Do đó, bạn cần yêu cầu cơ quan công an nêu rõ lý do yêu cầu bạn nộp phạt với mức tiền như trên.

Nếu cơ quan công an không chứng minh và nêu rõ lý do xử phạt thì việc yêu cầu bạn nộp phạt 50 triệu đồng là sai và bạn không có nghĩa vụ phải nộp khoản tiền này. Bạn có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng !
CV Ngô Thị Bắc - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo