LS Hoài My

Tư vấn về mức bồi thường khi xâm hại sức khỏe

Câu hỏi: Xin chào công ty luật Minh Gia !Tôi có một việc như sau và muốn nhờ Công ty tư vấn giúp tôi. Con trai tôi và nhóm bạn ngồi ăn uống ở nhà hàng Khi con trai tôi và bạn gái cãi nhau thì một cậu khác trong nhóm can thiệp vào, cầm đôi đũa chỉ mặt con tôi chửi. Khi con tôi nói: đó không phải việc của mày và bỏ đôi đũa xuống thì cậu kia liền ném đôi đũa vào mặt con tôi.

 

Theo phản xạ con tôi đứng dậy, hất tay gạt đôi đũa thì trúng vào nồi lẩu trên bàn, đổ vào người cậu kia gây bị bỏng. Bác sĩ đánh giá vết bỏng là 25% cơ thể . Sau đó gia đình tôi đã đến thăm hỏi , xin lỗi và đưa ra mức bồi thường là chi trả toàn bộ viện phí, cộng thêm 30 triệu đồng nhưng gia đình cậu kia không đồng. Họ đòi số tiền lớn hơn nhưng chưa nói rõ bao nhiêu, nếu không sẽ đưa ra pháp luật. Vậy tôi xin nhờ quý Công ty tư vấn giúp tôi trong trường hợp này nếu bồi thường mức bồi thường bao nhiêu là phù hợp? Nếu ra pháp luật thì con tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Vì ở xa tôi không đến trực tiếp Công ty được, kính mong Công ty tư vấn giúp .Tôi xin trân thành cảm ơn !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với vấn đề xác định mức bồi thường

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, con trai bạn gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác, do đó sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Và mức bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Vậy, theo các quy định nêu trên, con trai bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia định người bị hại theo thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi Tòa án xem xét mức độ bồi thường phải dựa trên căn cứ dựa trên mức độ lỗi của các bên. Và Khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

 

Do đó, trong trường hợp của bạn, có thể thấy nguyên nhân cậu con trai kia bị bỏng là do con bạn dùng tay hất tay gạt đôi đũa trúng vào nồi lẩu trên bàn, nhưng việc này cũng là do anh con trai kia ném đũa vào mặt con bạn, tức lỗi trong trường hợp này được xác định là do cả hai bên. Do đó, bạn có thể yêu cầu Tòa án xem xét giảm mức bồi thường cho con bạn.

 

Thứ hai, đối với vấn đề về trách nhiệm hình sự của con bạn

 

Theo Điều 15 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

 

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Như vậy, ở trường hợp của con bạn, có thể thấy anh con trai kia có hành vi ném đôi đũa vào mặt con bạn, theo phản xạ tự nhiên để tự vệ, con bạn mới dùng tay gạt chiếc đũa đi để tránh vào mặt (hoặc thậm chí nguy hiểm hơn có thể vào mắt gây mù lòa) nhưng chiếc đũa chẳng may bắn vào nồi lẩu làm cậu con trai kia bị thương nên hành vi này được coi là phòng vệ chính đáng.

 

Mặt khác, như bạn đã trình bày thì bác sỹ đã đánh giá vết bỏng của cậu con trai kia là 25% nên có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

 

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

 

Trân trọng!

CV Khuất Hạnh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo