Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về khung hình phạt đối với tội cướp giật tài sản?

Cướp giật tài sản là hành vi vi phạm quy định pháp luật không những xâm phạm đến tài sản của người khác mà còn có đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và những người xung quanh.

 

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn: Tôi có người thân cướp giật bằng xe máy (hai người) một người có tiền sự rồi, một người mới xuất ngũ chưa có tiền án tiền sự. Khi cướp không gây tổn hại sức khoẻ người bị hại, không có tính chuyên nghiệp, không gây nguy hiểm nghiêm trọng và trị giá tài sản là điện thoại trị giá một triệu chín trăm nghìn đồng. Xin hỏi luật sư là khung hình phạt của hai người trên như thế nào? hình thức tăng nặng hoặc giảm nhẹ cho từng người như thế nào? Rất mong được luật sư giúp đỡ. Kính cám ơn!  

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Cướp giật tài sản như sau: 

“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm [...]”

Theo quy định này, nếu người thân của bạn thực hiện hành vi cướp giật tài sản với trị giá 1.900.0000 đồng mà không có tình tiết định khung tại Khoản 2 Điều 171 nêu trên thì người thân của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 01 năm đến 05 năm tù. 

Ngược lại, nếu hành vi phạm tội của người thân bạn có tình tiết định khung tại Khoản 2 Điều 171 nêu trên thì có thể bị phạt từ từ 03 năm đến 10 năm tù. Các tình tiết định khung này được xác định như sau: 

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, người thân của bạn cùng một người khác (02 người) sử dụng xe máy để thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Khi thực hiện hành vi phạm tội không gây tổn hại sức khoẻ người bị hại, không có tính chuyên nghiệp, không gây nguy hiểm nghiêm trọng và trị giá tài sản cướp giật là 1,9 triệu đồng.
Do đó, tạm thời có thể loại bỏ các tình tiết định khung tại Điểm a, b, c, e Khoản 2 Điều 171 BLHS. Tuy nhiên, chưa có thông tin đầy đủ về quá trình thực hiện tội phạm nên Luật Minh Gia chưa thể xác định chính xác về các tình tiết định khung còn lại, anh có thể tham khảo quy định hướng dẫn sau đây để giải đáp vấn đề của mình. 

Theo tinh thần tại Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, các tình tiết định khung được áp dụng như sau: 

Thứ nhất, tình tiết "Dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại tội cướp giật tài sản của Bộ Luật hình sự là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy... Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt… (Khoản 5.3 Mục I)

Thứ hai, tình tiết “Hành hung để tẩu thoát”, Khoản 6 Mục 1 Thông tư này hướng dẫn như sau: 

“[...] 6.1. Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.

6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.”

Đối với những tình tiết định khung khác, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để đánh giá và xác định. 

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, anh có thể tham khảo các tình tiết được liệt kê tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Trân trọng!

P. Luật sư tranh tụng - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo