Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Sử dụng, mua hóa đơn bất hợp pháp chịu trách nhiệm gì?

Anh kỹ thuật bên em đem về cái hóa đơn tiếp khách, em đã báo cáo thuế nhưng công ty đó ngừng hoạt động nên giờ công an lập biên bản và công an họ nói sẽ chuyển qua Chi Cục Thuế xử lý. Vậy cho em hỏi nếu chuyển qua thuế thì em bị tội gì? Có phải tội mua bán hóa đơn trái phép không? Nếu bị tội đó thì mức phạt là bao nhiêu? Em xin nói thêm là gồm 4 cái hóa đơn trị giá 10 triệu đồng. Em xin chân thành cám ơn.

1. Tư vấn về hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự về 1 trong các tội sau: tội trốn thuế theo quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này.

Hoặc Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự với số lượng lớn hóa đơn.

Theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, số lượng lớn hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

Với số lượng hóa đơn mà công ty bạn sử dụng và số tiền trên hóa đơn, hành vi này chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cơ quan công an đã chuyển hồ sơ sang chi cục thuế để điều tra vi phạm và xử phạt hành chính. 

Xử lý vi phạm hành chính hành vi mua bán hoá đơn

Nếu chi cục thuế điều tra và xác minh được công ty bạn sử dụng trái phép hóa đơn với mục đích trốn thuế thì công ty bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế với mức xử phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ - CP và thông tư 166/2013/TT - BTC quy định xử lý vi phạm về thuế.

Trường hợp điều tra kết luận rằng công ty bạn sử dụng trái phép hóa đơn nhưng không dẫn đến hành vi trốn thuế, vi phạm về thuế thì sẽ bị xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ- CP và thông tư 10/2013/TT - BTC xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn. Trường hợp này công ty bạn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

---

2. Mua bán hóa đơn trái phép bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi:

Tôi làm kế toán trưởng 1 công ty phân phối gạch men cấp 1. Thời gian qua công ty xuất hóa đơn đầu ra cho các  cửa hàng khi bán hàng cho các cửa hàng đó. Các cửa hàng gọi điện báo tên và Mã số thuế cần xuất thì tôi xuất hóa đơn cho họ để nhận tiền hàng. Hiện nay có 1 doanh nghiệp mua bán hóa đơn khống công an đang điều tra có lấy hóa đơn của công ty chúng tôi làm đầu vào: số tiền khoảng 15 tỷ cả thuế. Hiện lãnh đạo công ty đó đã bị bắt, công an có yêu cầu công ty tôi cấp chứng từ để điều tra. Tôi muốn hỏi Công ty tôi có bị xử lý không? Tôi có bị xử lý hay kỉ luật gì không? 

Trả lời:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định:

“Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

...”

Theo quy định của Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC về hướng dẫn ấp dụng một số điều trong Bộ Luật Hình Sự có quy định như sau:

“Điều 2. Về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a BLHS)

1.Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hoá đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, …và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;

b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

2. Chủ thể phạm tội này bao gồm:

a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;

c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.

3. Các hành vi qui định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:

a) In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;

b) Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định;

c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:

c.1) Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định;

c.2) Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;

c.3) Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;

 c.4) Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.

4. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:

a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

5. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.

6. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.”

Từ những quy định nêu trên, nếu công ty bạn có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm hình sự; nếu là pháp nhân vi phạm thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.”

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo