LS Vy Huyền

Tư vấn về hành vi mua bán và sử dụng bằng cấp giả

Dear: Luật Sư. Tôi xin trình bày sự việc như sau:Vì muốn xin được 1 việc làm tốt nên tôi muốn mua 1 bằng cao đẳng (nhưng phải là bằng thật, nằm trong hồ sơ sổ sách của 1 trường đại học),Và tôi được 1 người quen trong công ty giới thiệu cho 1 người chuyên chạy bằng cao đẳng và đại học thật trong trường.

 

Tôi đã gặp và đồng ý chạy 2 bằng: 1 bằng cao đẳng (18 triệu), 1 bằng đại học (30 triệu) nhưng khi nhận 2 bằng và đem đi nhờ người quen kiểm tra thì phát hiện đó bằng giả. Tôi đã gặp thương lượng để lấy lại tiền nhưng không được. Và tôi muốn tố cáo người đó với công an, vì tôi có bảng ghi âm tất cả các cuộc nói chuyện lúc nhận tiền và tin nhắn nói chuyện với nội dung chạy bằng.Vậy luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi sẽ bị xử phạt như thế nào và người đó sẻ bị xử phạt như thế nào và người giới thiệu cho tôi củng sẽ bị xử phạt như thế nào? Bổ sung thêm:1. tôi chưa sử dụng bằng cấp đó cho bất kì mục đích nào cả và tôi có lấy lại được số tiền mình đã bỏ ra để chạy 2 cái bằng không? 2. người chạy bằng cho tôi là 1 giảng viên trong trường, và họ có 1 nhóm người cùng làm việc này, và đã chạy cho rất nhiều người. Cảm ơn luật sư, và mong luật sư tư vấn giúp cho tôi.

 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thì một người muốn có được một chứng chỉ đào tạo về một lĩnh vực nào đó thì phải trải qua một quá trình học tập, đào tạo và thi cử theo quy định của cơ sở nơi người đó đăng ký học. Các trường hợp chứng chỉ có được không qua đào tạo thì xác định chứng chỉ đó là giả và không có giá trị.

 

Trong trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi làm giả con dấu hoặc tài liệu của cơ quan tổ chức khác thì bạn có quyền tố cáo lên cơ quan công an nơi phát hiện có hành vi vi phạm. Đối với cá nhân có hành vi làm giả giấy tờ thì có thể bị truy cứu theo điều 267 Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể:

 

Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội nhiều lần;

 

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

 

d) Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì trong trường hợp bạn đưa ra được bằng chứng chứng minh người bán bằng cho bạn có hành vi làm bằng giả thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 267 bộ luật hình sự. Theo đó mức xử phạt đối với hành vi này tùy thuộc vào mức độ lỗi của người đó đã thực hiện nhiều lần hay chưa, thực hiện có tổ chức hay không? Và đã gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa…thì tòa án sẽ xem xét đưa ra mức hình phạt cụ thể, mức phạt có thể là bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt đến bảy năm tù giam.

 

Mặt khác, đối với trường hợp của bạn có hành vi mua giấy tờ giả nhưng chưa sử dụng vào mục đích nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức khác mà bị phát hiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Theo đó:

 

Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ

 

…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bạn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Việc bạn có được bên bán văn bằng giả trả lại số tiền bạn đã bỏ ra để mua 2 văn bằng hay không tùy thuộc vào thỏa thuận giữa bạn và bên bán.

 

Thứ hai, việc bạn mua bán, sử dụng chứng chỉ, văn bằng giả có thông qua người trung gian thì phải xác định rõ người đó là người phối hợp với người bán làm bằng giả hay chỉ là người môi giới để hai bên tiến hành mua bán. Nếu họ trực tiếp tham gia vào việc làm giả giấy tờ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức theo điều 267 bộ luật hình sự. Còn trong trường hợp người đó chỉ là người môi giới thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP, trong trường hợp người đó là  giảng viên và là Đảng viên thì có thể bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo