Cà Thị Phương

Tư vấn về chế độ bồi dưỡng cho người giúp việc trong giám định pháp y

Luật sư tư vấn về trường hợp người giúp việc trong giám định pháp y không được trả tiền bồi dưỡng trong vụ việc giám định thương tích thì giải quyết như thế nào?

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào Luật sư! Tôi xin nhờ Luật sư giải đáp giúp thắc mắc về chế độ bồi dưỡng cho người giúp việc trong giám định pháp y.Tôi đang công tác tại Đơn vị Pháp y của một tỉnh, là y sĩ trực tiếp phụ giúp việc cho giám đinh viên thực hiện giám định pháp y về thương tích và tử thi theo sự phân công của lãnh đạo.Nhưng tôi chỉ được hưởng tiền bồi dưỡng người giúp việc cho giám định viên trong giám định tử thi khi trực tiếp phụ giúp theo đúng quy định.Còn giám định thương tích, tôi cũng trực tiếp phụ giúp việc cho giám định viên theo sự phân công của lãnh đạo thì lại không được hưởng tiền bồi dưỡng và không được ghi vào là người giúp việc trong vụ việc giám định. Trong khi đó lãnh đạo lại ghi tên của nhân viên khác, chỉ là nhân viên đánh máy và bộ phân thanh toán tiền.Tôi đã nhiều lần ý kiến nhưng lãnh đạo và kế toán không đồng ý cho những người trực tiếp phụ giúp việc trong vụ việc giám đinh thương tích.Xin hỏi Luật sư, như vậy lãnh đạo, kế toán, những người không trực tiếp phụ giúp việc mà được lãnh tiền bồi dưỡng có sai quy định nhà nước hay không?  Lãnh đạo và kế toán có vi phạm pháp luật và có bị xử lý như thế nào? Tại không phải riêng cá nhân tôi, mà các anh em khác cũng phụ giúp việc giám định viên theo sự phân cônn mà lại không hưởng. Người khác không làm thị lại được...Trên đây, tôi đại diện cho các anh em khác nói lên thắc mắc của mình.Kính mong Luật sư giải đáp và cho hướng giải quyết. Em xin cảm ơn Luật sư. Mong Luật sư.d


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, hành vi của lãnh đạo và kế toán có vi phạm pháp luật không?


Căn cứ tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 85/2013/ NĐ-CP quy định:


“Điều 25. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp


1. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp quy định tại Điều 37 của Luật giám định tư pháp được áp dụng đối với những đối tượng sau đây:


a) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp;


b) Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định;


c) Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.


2. Trường hợp tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định thì tổ chức đó có trách nhiệm trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này từ chi phí giám định tư pháp đã thu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định.


Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này từ kinh phí hoạt động điều tra, truy tố và xét xử được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Cơ quan tiến hành tố tụng.


3. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể mức bồi dưỡng giám định tư pháp”.

 

Theo đó, trong trường hợp đơn vị bạn được trưng cầu, yêu cầu giám định tỷ thương tích thì với vai trò là người giúp việc cho người giám định tư pháp được lãnh đạo chỉ định thì bạn sẽ được đơn vị trả tiền bồi dưỡng giám định từ chi phí giám định tư pháp đã thu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định.


Đồng thời, theo quy định trên thì chỉ những người giữa chức vụ Giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp, người giúp việc cho người giám định tư pháp  gồm: trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu tách nhiệm điều phối thực hiện giám định chỉ định mới được trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp khi được yêu cầu, trưng cầu giám định tư pháp. Nếu đối tượng được lãnh đạo ghi tên được hưởng chế độ bồi dưỡng từ công tác giám định thương tích không phải là các đối tượng thực hiện nhiệm vụ trong quá trình giám định thì hành vi đó là không phù hợp với quy định của pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích bạn được hưởng.


 Thứ hai, hành vi của lãnh đạo và người kế toán bị xử lý như thế nào?

 

Đối với hành vi của người lãnh đạo và kế toán thì phải xác định việc không thanh toán khoản tiền bồi dưỡng trên cho bạn có nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản hay chỉ thực hiện giải quyết chế độ sai đối tượng. Nếu do quyết định sai đối tượng hưởng là bạn sang cho những người không trực tiếp liên quan thì sẽ yêu cầu khắc phục truy thu khoản trên để thanh toán lại cho bạn. Tuy nhiên, nếu hành vi trên là nhằm để chiếm đoạt tài sản của bạn thì Căn cứ tại Điều  355 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định:


“Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản


1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:


a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;


b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.


...”.


Theo đó, người lãnh đạo và kế toán là những người có chức vụ quền hạn họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lam dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhân viên với giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng  thuộc một trong hai trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về các tội tham nhũng  mà vẫn chưa được xóa án tích.


Như vậy, nếu có căn cứ chứng minh về việc lãnh đạo và kế toán có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể đến cơ quan công an, cơ quan điều tra tố cáo về hành vi trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

 CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo