Phạm Diệu

Tư vấn trường hợp đưa tiền xin việc

Hiện tại gia đình em đang gặp phải một vấn đề liên quan đến pháp luật kính nhờ đến sự tư vấn của quý công ty kính mong nhận được sự giúp đỡ cũng như sự tư vấn nhiệt tình của quý công ty. Anh trai em nhờ anh B là chuyên viên của sở giáo dục xin việc cho con nhà hàng xóm làm giáo viên. Anh trai em nhận tiền từ nhà hàng xóm và chuyển cho anh B nhưng sau đó con nhà hàng xóm vẫn không trúng tuyển công chức.

Nội dung câu hỏi: 

Vào năm 2014 em có một người anh trai là một giáo viên cấp hai. Có một người hàng xóm của gia đình em có nhờ xin việc cho một người con của họ làm giáo viên. Do sự thỏa thuận của anh trai em và gia đình hàng xóm vì tình cảm láng giềng nên anh trai em đã nhận lời xin việc giúp con của gia đình hàng xóm. Gia đình hàng xóm chấp nhận đưa một số tiền làm lộ phí xin việc. Anh trai của em có quen một anh B  làm chuyên viên của sở giáo dục của tỉnh nên anh trai em có nói chuyện này với anh B thì anh B có nói nếu muốn xin thì để anh B xin cho và số tiền phải mất là 120 triệu thấy vậy anh trai em nhờ anh B xin việc giúp gia đình hàng xóm nhà em. Anh trai em về có nói với gia đình hàng xóm là mất 120 triệu để xin việc và bên gia đình hàng xóm chấp nhận và chuyển khoản cho anh trai của em 120 triệu để xin việc cho con của họ. Anh trai em đã đưa số tiền cho anh B làm chuyên viên sở giáo dục và không có giấy biên nhận. Anh B đã nhận số tiền và chấp nhận xin việc cho gia đình hàng xóm của em, đến cuối năm 2014 thì có một đợt thi tuyển công chức dành cho bên giáo dục anh B đã xin và con của gia đình hàng xóm của em được tham gia kỳ thi tuyển công chức trên, do lý do không làm được bài thi nên con của gia đình hàng xóm em không trúng tuyển. Đến nay anh B bị điều chuyển công tác từ chuyên viên sở giáo dục về làm hiệu phó một trường cấp hai trong tỉnh. Gia đình hàng xóm sót ruột nên cứ gọi điện thoại hỏi anh trai em khi nào thì xin được việc, anh trai em lại gọi điện thoại hỏi anh B, anh B có nói từ từ rồi anh tính. Đến nay gia đình hàng xóm không chấp nhận xin việc nữa và đòi anh trai em số tiền 120 triệu đã đưa trước đó và gia hạn nếu sau 1 tháng không trả sẽ đưa ra pháp luật giải quyết.

Quý công ty cho em xin được hỏi:

- Nếu gia đình hàng xóm của em đưa vấn đề nêu trên ra pháp luật thì anh trai em sẽ bị tội gì? tính chất sự việc có được cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?có bị kết luận vào tội lợi dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản hay không?

- Anh trai em có phải bồi hoàn lại số tiền đã nhận hay không?

- Anh trai em có bị ảnh hưởng đến công việc là giáo viên hiện tại hay không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ:

 

Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật hình sự);

 

Bộ luật dân sự năm 2005;

 

Luật viên chức năm 2010.

 

Thứ nhất, hành vi của anh trai bạn cấu thành tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự:

 

"1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

 

d) Phạm tội nhiều lần;

 

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

 

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

 

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

 

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

 

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

 

Đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ, quyền hạn để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hình thức đưa hối lộ có thể là trực tiếp hoặc thông qua trung gian. Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.

 

Đối với trường hợp của anh trai bạn, anh bạn đã có hành vi đưa tiền cho anh B là người có chức vụ, quyền hạn tại Sở giáo dục để anh B xin việc cho hàng xóm của mình tại ngành giáo dục, mà anh trai bạn không nhận thêm tiền từ việc này, chứng tỏ anh bạn đã đưa tiền cho anh B vì lợi ích của người quen. Anh trai bạn hoàn toàn nhận thức được rằng hành vi đưa tiền này nhằm mục đích yêu cầu anh B bằng cách nào đó giúp con nhà hàng xóm của bạn có được công việc giáo viên. Do đó, hành vi của anh trai bạn đã cấu thành tội đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

Hành vi của anh trai bạn không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ:

 

- Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Với những thông tin mà bạn cung cấp anh bạn không có hành vi nào có dấu hiệu của thủ đoạn lừa đảo, do đó hành vi của anh bạn không cấu thành tội phạm này.

 

- Hành vi khách quan của tội lạm dụng sự tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các hành vi sau:

 

" a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản" (khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự).

 

Như bạn đã trình bày, anh trai bạn sau khi nhận tiền thì đưa tiền luôn cho anh B mà không dùng thủ đoạn gian dối nào hay bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, cũng như không dùng nó vào mục đích khác. Như vây, anh bạn cũng không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Thứ hai, trách nhiệm hoàn trả tiền. Xét trên quan hệ với anh B thì anh trai bạn là người đưa hối hộ. Tuy nhiên, xét trên quan hệ giữa anh trai bạn và gia đình hàng xóm thì giữa hai bên đã có thỏa thuận nhận tiền và xin việc và đó là một thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2005:

 

"Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

 

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

 

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng".

 

Thỏa thuận giữa anh trai bạn và gia đình hàng xóm, xét trên chuẩn mực pháp luật hay đạo đức xã hội đều bị vi phạm về nội dung và mục đích, do đó đây là một giao dịch dân sự vô hiệu.

 

Theo quy đinh tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự 2005 thì " Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường".

 

Theo đó, anh trai bạn sẽ phải hoàn trả cho gia đình hàng xóm số tiền 120 triệu mà anh bạn đã nhận. Do người nhận xin việc và người nhận tiền từ phía cần xin việc là anh trai bạn chứ không phải là anh B nên họ hoàn toàn có quyền đòi tiền từ anh trai bạn.

 

Tuy nhiên, anh trai bạn lại không phải là người chiếm giữ số tiền đó. Giữa anh trai bạn và anh B cũng có thỏa thuận nhận tiền và xin việc vô hiệu. Do đó, anh bạn có thể:

 

- Yêu cầu anh B trả tiền;

 

- Nếu anh B không trả, anh bạn có thể khởi kiện tại Tòa án;

 

- Hoặc nếu không khởi kiện, anh bạn có thể chủ động khai báo về hành vi phạm tội trước khi bị phát giác để có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Thứ ba, về công việc của anh bạn.  Điều 57 Luật viên chức 2010 quy định:

 

"1. Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

 

2. Viên chức quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật."

 

Như vậy, anh trai bạn nếu bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì sẽ bị buộc thôi việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp đưa tiền xin việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Hồ Thu Uyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo