LS Ngọc Anh

Tư vấn trường hợp đối tượng được thăm nuôi người bị tạm giữ, tạm giam

Câu hỏi tư vấn: Xin lỗi luật sư cho em hỏi, chồng em hiện bị bắt giam, sau này sẽ thụ án. Chúng em chưa kịp đăng kí kết hôn, nhưng đã có con, con em được 1 tháng tuổi, công an điều tra nói không có giấy kết hôn sẽ không được gặp mặt thăm nuôi sau này. Nhà em có mình em nuôi chồng em, giờ mấy anh công an nói vậy em phải làm sao?
 
... Xin luật sư chỉ giúp giùm em, có luật nào em có thể gặp và nuôi chồng em mà không cần giấy kết hôn không ạ? Em có lên phường xin giấy chứng minh sống chung nhưng trên đó cũng nói không chứng minh được. Hiện em không biết phải làm sao xin luật sư chỉ giúp em?? Em rất cần sự giúp đỡ. Chồng em sắp lên trường lao động rồi mà tới giờ em chưa có giấy nữa..chân thành cảm ơn luật sư
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Khoản 8 ĐIều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định như sau:

 

“Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.”

 

Bên cạnh đó, tại Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:

 

“1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

 

2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;

 

không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.

 

Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

 

3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.

…”

 

Đối với trường hợp của bạn mặc dù hai bạn chung sống với nhau nhưng không qua đăng kí kết hôn thì căn cứ vào quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình hai bạn không phải là vợ chồng hợp pháp. Do đó, bạn không được xác định là thân nhân của người bị tạm giam.

 

Như vậy, người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Bạn không thuộc các trường hợp đã nêu do đó bạn không được gặp người bị tạm giam nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo