Nông Bá Khu

Tư vấn trường hợp bị khởi tố vì gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người

Hướng giải quyết khi va chạm giao thông dẫn đến chết người và bị cơ quan công an khởi tố. Nội dung tư vấn như sau:

 

Em có bạn 19 tuổi, là nữ giới, buổi tối trên đường đi về thì có cụ ông đi xe đạp điện băng qua đường, bạn em né không kịp. Tình huống qua đường không phải ngã tư, mà từ lề phải đường qua lề bên trái, cụ ông đã trên 80 tuổi. Dẫn đến cụ tử vọng. Bạn em đi xe máy giấy tờ đầy đủ. Sau khi mai táng, gia đình bên kia lại thân với bạn em, nhất là vợ của ông cụ, không hề có ý kiện tụng gì. Sau 1 tháng công an đưa ra khởi tố. Em muốn nhờ luật sư tư vấn bạn em phải làm gì trong tình huống trên và các mức phạt đối với bạn em như thế nào ạ, đến bây giờ công an vẫn chưa quyết định ai đúng sai ạ, nhưng theo ý kiến của người dân xung quanh địa điểm xảy ra tai nạn đều nói cụ ông qua đường nhanh, không ra dấu xin qua, bạn em đi vừa tới thì ông vừa qua, tình huống va chạm rất nhẹ ạ, bạn em đi chậm nhưng từ một bên ông băng qua nên không thể xử lý. Bạn em nhân thân trong sạch ạ, đang sinh sống và đi học xa nhà ạ. Xin luật sư tư vấn cho em ạ, em xin chân thành cảm ơn! Đã gửi từ iPhone của tôi

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia chúng tôi, về thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

 

"Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 

Như vậy, chỉ những tội phạm được quy định trong các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 bộ luật hình sự sẽ không bị khởi tố khi không có yêu cầu của người bị hại. Trường hợp này của bạn không thuộc những tội phạm nêu trên nên dù không có yêu cầu của người bị hại vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự và tuyên án phạt.

 

Trong trường hợp công an khởi tố vụ án, cơ quan công an sẽ phải đưa ra các chứng cứ chứng minh cho quyết định buộc tội của mình. Theo như bạn nói thì có những người xung quanh chứng kiến vụ việc xảy ra nên khi vụ án được đưa ra xét xử bạn có quyền chứng minh cho mình bằng cách nhờ những người đã chứng kiến làm chứng cho bạn về vụ việc đó. Tuy nhiên, có thể bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng trên phương diện pháp luật thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự, tức là bạn vẫn phải bồi thường thiệt hại. Theo đó, Điều 602 BLDS 2015 có quy định về vấn đề này như sau:

 

“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

 

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

 

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

 

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 

 Về bồi thường thiệt hại thì tùy từng thiệt hại để xác định trách nhiệm của bạn nên bạn có thể tham khảo các quy định sau về thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định....” 

 

Trân trọng!

C.V: Vũ Hà - Công ty Luật Minh Gia!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo