Triệu Lan Thảo

Tư vấn: Tội cố ý gây thương tích để không phải chấp hành hình phạt tù

Tôi tên là T, Tôi xin nhờ luật sư tư vấn về vấn đề hành vi cố ý gây thương tích. Vào ngày hôm đó anh trai tôi tên là D đang đang làm việc thợ hồ tại gia đình ông A thì bị đối tượng là anh Nguyễn Văn X tới tìm và đánh tại nơi anh tôi làm việc trước sự chứng kiến của nhiều người vì lí do tiền bạc và còn tuyên bố hôm nay tao nể ông A chứ không tao giết mày rồi.
 

Tối hôm đó, vì ấm ức anh tôi đang trong tình trạng say đã cùng 2 người nữa kéo tới nhà đùng hung khí nguy hiểm chém và làm gây thương tích 16% cho anh X. Sau đó anh trai tôi vô cùng hối hận đã vào xin anh bỏ qua và bồi thường 10 triệu kèm theo sự ăn năn vô cùng của anh trai tôi nhưng anh X không đồng ý và khởi tố anh trai tôi. Vì anh trai là trụ cột của gia đình lại có thêm 2 con nhỏ, vợ thì không lao động ra tiền chỉ là người nội trợ, lại là lần đầu phạm tội. Vậy cho tôi hỏi luật sư với những tình tiết đó anh tôi có phải đi tù không? Nếu phải đi tù thì phải làm sao để giảm án nhiều nhất có thể.

 

Trả Lời:Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trường hợp 1: Anh bạn có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Căn cứ theo Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:

 

Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

 

Hành vi cố ý gây thương tích của anh bạn đối với anh X bắt nguồn từ việc anh X đã có hành vi đánh đập anh bạn trước và còn tuyên bốhôm nay tao nể ông A chứ không tao giết mày rồi. Do đó, ngay tối hôm đó anh bạn đã gây thương tích cho anh X có thể được coi là cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu anh bạn có thể chứng minh được mình bị ấm ức, quá ức chế nên mới gây thương tích cho anh X thì anh bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vì, trong trường hợp này thì thương tích của anh X là 16% < 31% nên anh bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Trường hợp 2: Anh bạn chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích

 

Nếu anh bạn không chứng minh được mình gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như ở trên thì anh bạn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Anh bạn đã dùng hung khí nguy hiểm và cố ý gây thương tích cho người khác với mức thương tích là 16% vì thế anh bạn đã vi phạm Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ;

 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...”

 

Như vậy, anh bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Do đó, anh bạn có 2 khả năng để không phải đi tù đó là: bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù nhưng được hưởng án treo.

 

Thứ nhất, cải tạo không giam giữ

 

Điều 36 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 36. Cải tạo không giam giữ

 

1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

 

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

 

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

 

3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

 

Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

 

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

 

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

 

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

 

Do anh bạn có việc làm ổn định, có nơi thường trú rõ ràng, phạm tội ít nghiêm trọng. Ngoài ra, anh bạn là trụ cột chính trong gia đình phải nuôi hai con nhỏ và vợ không có việc làm. Nên anh bạn rất có thể chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ.

 

Thứ hai, hưởng án treo

 

Tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo như sau:

 

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

 

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

 

2. Có nhân thân tốt.

 

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

 

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

 

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

 

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

 

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

 

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

 

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Như vậy, trường hợp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định trên thì có thể anh bạn sẽ không phải chấp hành hình phạt tù thay vào đó sẽ được hưởng án treo.

 

Trân trọng!
CV. Ngô Văn Minh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo