Phạm Diệu

Tư vấn tố giác tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Đầu tháng 1/2016 tôi và 1 người bạn có làm ăn chung với nhau, tin tưởng vì là bạn bè lâu năm và cũng biết gia đình người đó nên tôi có cho cậu ta mượn số tiền là 250.000.000(hai trăm năm mươi triệu) lãi suất thoả thuận bằng miệng, trên giấy tờ thì lãi suất để trống, mục đích vay là để kinh doanh, thời hạn 6 tháng tức ngày 1/6/2016 đã hết hạn.

Nhưng do làm ăn thua lỗ nên bạn tôi có thông báo và xin thêm thời gian là tới tháng 7. Nhưng nay tới hạn thì tôi gọi điện thuê bao, nhắn tin thì không trả lời, và hiện tại đã rời khỏi nơi cư trú nhưng chưa về. Vậy tôi có thể khởi kiện cậu ta về tội chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn hay không, chi phí khởi kiện và những chi phí phát sinh khác là bao nhiêu, thời gian nộp đơn và hoàn tất thủ tục để luật sư khởi kiện người ấy là bao lâu. Mong luật sư tư vấn giùm tôi.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ:

 

Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Bộ luật hình sự);

 

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

 

Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009.

 

Thứ nhất, về hành vi phạm tội. Người mượn tiền không thể bị khởi tố về tội chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn như bạn nói vì một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm một tội mà Bộ luật hình sự quy định mà Bộ luật hình sự năm 2009 không quy định tội phạm này. Với những diễn biến như bạn đã trình bày có thể thấy hành vi của người mượn tiền có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự:

 

"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

đ) Tái phạm nguy hiểm;

 

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

 

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này".

 

Như vậy, hành vi của người mượn tiền đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm này, đó là mượn tiền thông qua hợp đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. Với số tiền bị chiếm đoạt là 250 triệu đồng, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 140 Bộ luật hình sự  với khung hình phạt là từ 7 năm đến 15 năm tù.

 

Thứ hai, vụ việc đã cho thấy dấu hiệu của tội phạm do đó cách giải quyết đối với trường hợp này không phải là khởi kiện vụ án dân sự mà là khởi tố vụ án hình sự. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, và chỉ được khởi tố khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm dựa trên các cơ sở như: tố giác của công dân, tin báo của cơ quan, tổ chức, người phạm tội tự thú,...

 

Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định:

 

"Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

 

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản".

 

Theo đó, khi phát hiện thấy có dấu hiệu của tội phạm, bạn có thể tố giác hành vi này với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác. Việc tố giác có thể được lập thành văn bản hoặc tố giác bằng miệng.

 

Về tiền tạm ứng án phí,  Điều 21 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009 quy định:

 

"Điều 21. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự

 

1. Bị cáo và các đương sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

 

2. Các đương sự trong vụ án hình sự kháng cáo về phần dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm và thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Pháp lệnh này".

 

Như vậy, bạn sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với vụ án hình sự. 

 

Về thời hạn giải quyết tố giác, Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định:

 

"1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

 

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

 

3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

 

Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

 

4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố".

 

Như vậy, thời hạn giải quyết tố giác tối đa là 2 tháng kể từ ngày nhận được tố giác. Trong thời hạn này, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn tố giác tôi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Hồ Thu Uyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo