Trần Tuấn Hùng

Tư vấn luật giao thông và mức bồi thường

Nội dung tư vấn: Em tên Giang. Em có đọc trên mạng thấy có mục liên hệ tư vấn qua mail nên em xin hỏi một vài thắc mắc mong Luật sư tư vấn giúp em ạ. 1.Vào 3/11/2015 xảy ra 1 vụ tai nạn giữa 2 xe gắn máy future do anh A điều khiển và xe wave do anh B điều khiển dẫn tới anh A phải đi cấp cứu, anh B may mắn không việc gì.

 

2. Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường xác định anh B đi lấn phần đường của anh A 1 đoạn nhỏ. Thử nồng độ cồn của anh B thì không có gì. Nhân chứng đưa anh A đi cấp cứu thì thấy anh A trong người có mùi rượu nồng nặc nhưng trong hồ sơ lại không ghi công an tiến hành thử nồng độ cồn của anh A. Nhân chứng cho biết: Anh B đi từ dưới dốc lên, vào đoạn cua nên đi chậm, còn anh A đi từ trên xuống tốc độ nhanh, trong người có sử dụng rượu nên đã đâm vào anh B. 2 người sảy ra tai nạn ở giữa đường và không nghiêng về bên nào.

3.  Anh A sau khi được cấp cứu hiện đã bình phục và được giám định thương tích 50%.

4. Sau khi tai nạn, đến tháng 1/2016 anh A đã bình phục. Hai gia đình tiến hành giải quyết tình cảm nhưng bên A đòi mức bồi thường là 150 triệu VNĐ. Bên B không có khả năng chi trả.

5. Vụ án được khởi tố. Cho đến bây giờ vẫn chưa có quyết định. Vì bên A là người của quân đội nên đã bàn giao hồ sơ cho bên quân đội giải quyết.

HỎI:

1. Trong việc xác minh trên bên nào là bên có lỗi ?

2. Thời gian diễn ra xét xử tính từ lúc khởi tố là bao nhiêu ngày?

 3. Mức bồi thường tiền phạt là bao nhiêu nếu bên B sai hoàn toàn?

4. Trách nhiệm hình sự của 2 bên phải chịu là như thế nào?

 Mong công ty tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

 

Trả lời:

 1. Bên có lỗi trong tình huống trên

 

Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì vụ tai nạn giao thông diễn ra giữa anh A và anh B sau khi khám nghiệm hiện trường thì xác định anh B lấn sang phần đường của anh A. Tuy nhiên, anh B đi với tốc độ chậm còn anh A đi với tốc độ rất nhanh và nhân chứng cho biết anh A có sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Như vậy, trong trường hợp trên, theo chúng tôi lỗi thuộc về cả anh A và anh B. Cụ thể lỗi của A và B là lỗi cố ý.

 

2. Thời gian từ khi khởi tố đến lúc xét xử

 

Một vụ án hình sự được chia làm 7 giai đoạn tố tụng bao gồm: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, thi hành án, giám đốc thẩm và tái thẩm.

 

Như vậy, tính từ khi khởi tố vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử còn trải qua giai đoạn điều tra và truy tố.

 

Thứ nhất, về thời hạn khởi tố:

 

Điều 103 Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự như sau:

 

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

 

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.”

 

Theo đó, trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

 

Thứ hai, về thời hạn điều tra:

 

Điều 119 Bộ luật hình sự quy định về thời hạn điều tra như sau:

 

“Điều 119 thời hạn điều tra 

 

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

 

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

 

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

 

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

 

Do đó, thời hạn điều tra tối đa đối với tội ít nghiêm trọng là 4 tháng. Tội nghiêm trọng là 8 tháng. Đối với tội rất nghiêm trọng là 12 tháng. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng.

 

Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.

 

Thứ ba, về thời hạn truy tố:

 

Điều 166 Bộ luật hình sự quy định về thời hạn quyết định truy tố như sau:

 

“ Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố

 

1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

 

a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;

 

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

 

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

 

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết; giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu.”

 

Do đó, thời gian tối đa để truy tố tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng là 30 ngày. Đối với tội rất nghiêm trọng là 45 ngày và tội đực biệt nghiêm trọng là 60 ngày. Sau thời hạn nêu trên Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng truy tố bị can trước Tòa án.

 

Thứ tư, về thời hạn xét xử:

 

Điều 176 Bộ luật hình sự quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:

 

“Điều 176. Thời hạn chuẩn bị xét xử

 

1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

 

2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

 

a) Đưa vụ án ra xét xử ;

 

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

 

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

 

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

 

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.”

 

Do đó, thời hạn tối đa để đưa vụ án ra xét xử như sau: Đối với tội ít nghiêm trọng là 45 ngày, tội nghiêm trọng là 60 ngày, tội rất nghiêm trọng là 90 ngày, tội đặc biệt nghiêm trọng là 120 ngày.

 

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; Trong trường hợp có lý do chính đáng thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

 

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên. Tùy thuộc vào việc chủ thể cấu thành tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng mà thời gian từ khi khởi tố cho tới khi xét xử sẽ khác nhau. Bạn căn cứ vào các quy định nêu trên để có thể xác định cụ thể khoảng thời gian từ khi có quyết định khởi tố đến khi đưa vụ án ra xét xử là bao lâu.

 

3. Mức bồi thường tiền phạt là bao nhiêu nếu bên B sai hoàn toàn

 

Theo quy định tại Mục I Nghị quyết 03/2006 NĐ-HĐTP thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ 4 yếu tố sau: Có thiệt hại xảy ra có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.

 

Do đó, giả sử anh B đã đi lấn sang phần đường của anh A ( Đây là hành vi trái pháp luật) và gây ra tai nạn cho anh A. Trong trường hợp này,  chắc chắn anh B ý thức được rằng đó là hành vi trái pháp luật và sẽ rất nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đó. Như vậy, hành vi của anh B đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu trên và phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 

Điều 605 Bộ Luật dân sự 2005 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

 

Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

 

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”

 

Theo quy định nêu trên, việc bồi thường thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Pháp luật không có quy định cụ thể về thời gian được hưởng bồi thường mà chỉ có quy định thời hạn được hường bồi thường. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, Tòa án sẽ giải quyết nhanh chóng để anh B được nhận bồi thường.

 

Trường hợp này, anh B đã gây ra thiệt hại về sức khỏe cho anh A. Căn cứ để tính mức bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định tại Điều 609 như sau:

 

“Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

 

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

 

Như vậy, anh B sẽ phải bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của anh A, đó có thể là tiền thuốc, tiền mua các thiết bị y tế, tiền thuê phương tiện đi lại phục vụ cho việc chữa bệnh. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của anh A trong thời gian điều trị tai nạn không đi làm được. Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc anh A trong thời gian điều trị.

 

Ngoài ra, anh A còn được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại được xác định là mức độ tổn thất về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín..Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần còn căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình anh A và anh A. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần được căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

 

4. Trách nhiệm hình sự hai bên phải chịu

 

Điều 202 Bộ Luật Hình sự quy định tộ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

 

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 

 

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

 

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

 

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

 

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

 

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì cơ quan công an khám nghiệm hiện trường xác định anh B đi lấn phần đường của anh A 1 đoạn nhỏ. Thử nồng độ cồn của anh B thì không có gì. Nhân chứng đưa anh A đi cấp cứu thì thấy anh A trong người có mùi rượu nồng nặc. Nhân chứng cho biết: Anh B đi từ dưới dốc lên, vào đoạn cua nên đi chậm, còn anh A đi từ trên xuống tốc độ nhanh, trong người có sử dụng rượu nên đã đâm vào anh B.

 

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên. Cả anh A và anh B trong trường hợp trên đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Anh B đã đi lấn sang phần đường của anh A. Còn anh A đi với tốc độ nhanh, trong người con sử dụng rượu khi điều khiển xe máy. Với hành vi nêu trên mức phạt có thể bị theo quy định của pháp luật là:

 

Với anh B: Hành vi của anh B thuộc vào Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự. Do đó, anh B có thể bị phạt từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

Với anh A: Do có sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông và gây ra tai nạn nên hành vi của anh A cấu thành tội thuộc Điểm b Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Do đó, anh A có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

 

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt. Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác để ra quyết định phù hợp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn luật giao thông và mức bồi thường. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: La Điểm – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo