Vũ Thanh Thủy

Tư vấn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi làm giả giấy tờ

Hiện nay, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất đa dạng và có nhiều biến tướng khác nhau nên thực tế nhiều người do tin tưởng mà dẫn đến mất tài sản, do đó khi gặp vấn đề này và chưa biết xử lý như thế nào thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

1. Luật sư tư vấn về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ

Đối với hành vi lừa đảo và hành vi làm giả giấy tờ thì đã có quy định cụ thể về chế tài xử lý, tuy nhiên tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà trách nhiệm pháp lý sẽ khác nhau.

Do đó, khi bạn hoặc người thân của mình gặp vấn đề này và chưa nắm rõ các quy định pháp luật thì có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ

Yêu cầu tư vấn như sau: Chào luật sư…em có một người bạn vì có việc gấp phải đi nước ngoài mà làm hộ chiếu thật thì khá lâu và nhà anh ấy thì xa nên đã chọn cách làm hộ chiếu giả nhưng giấy chứng minh là của anh ấy. Mới đầu khi liên lạc với bên chịu làm giấy tờ thì người ấy nói là người trong ngành nên cứ yên tâm, rồi anh ấy gửi hình ảnh và giấy tờ với 2 triệu đồng đợi đến 5 ngày sau thì chuyển tiếp 2 triệu vào tài khoản mà người kia đưa...nhưng đến nay chưa thấy gì với gọi thì thuê bao hoăc không nghe máy…luật sư cho e hỏi trường hợp này có thể coi là tội lừa gạt chiếm đoạt tài sản…và nếu kiện thì bạn e có bi tội gì hay chịu mức phạt gì không ạ, em cảm ơn ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, đối với người làm giấy tờ giả

Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

…”

Như vậy, nếu bên A thực sự không có khả năng làm giấy tờ cho bạn mà chỉ đưa ra những thông tin gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền của bạn thì hành vi của A có căn cứ để xem xét về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn có thể liên hệ với cơ quan công an để đề nghị họ điều tra xem xét về hành vi này.

Thứ hai, về hành vi nhờ làm giấy tờ của bạn

Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội làm giả con con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

…”

Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như dùng bằng tốt nghiệp để xin việc, bổ nhiệm, tăng lương, đi lao động nước ngoài, làm giả giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ để hưởng chế độ theo quy định của nhà nước.

Từ phân tích trên và những thông tin mà bạn cung cấp, có thể thấy nếu khởi kiện thì người bạn của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan tổ chức tuy nhiên vì chưa thực hiện được việc làm giả và sử dụng để lừa dối cơ quan, tổ chức nên hành vi phạm tội của người bạn đó được coi là tội phạm chưa đạt: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Theo đó, mức hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 57 BLHS 2017: “3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo