LS Vũ Thảo

Tư vấn hành vi làm và sử dụng bằng, chứng chỉ giả

Kính gửi công ty luật Minh Gia . Em gái tôi trước đây có nhận gửi thông tin làm bằng, chứng chỉ giả cho một người bạn học chung ( chỉ gửi thông tin làm dùm, không nhận bất kỳ khoảng chênh lệch nào ).

 

Sau này người bạn đó có nhờ gửi thông tin làm tiếp nhưng em tôi không nhận và chuyển khoản lại toàn bộ tiền. Vì em tôi rất bận trong công việc hiện tại. Những bạn sử dụng chứng chỉ giả có bị Bộ Công An mời lên. Em tôi biết chuyện đó nên cả 2 cùng đến Bộ công an để trình báo sự việc. Tôi xin hỏi quý công ty với trường hợp như vậy thì xử lý như thế nào? Mức xử phạt ra sao? Kính mong quý công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định về mức xử phạt với hành vi sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp như sau:

 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đói với hành vi  làm giả văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

 

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người đứng tên trong văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Như vậy, em bạn là người có hành vi làm bằng, chứng chỉ giả sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000. Người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị xử phạt hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

 

Ngoài ra, hành vi này có thể xem xét bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

 

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

…”

 

Việc người làm giả và người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì cần xem xét đến mục đích của hành vi. Nếu mục đích của các bên hướng tới là "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức" thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định đã nêu trên.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo