Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn giải quyết về việc đánh nhau, gây rối trật tự

Luật sư tư vấn trường hợp sử dụng típ sắt, gạch để nhằm mục đích đánh nhau thì phải chịu mức xử phạt như thế nào? Có bị tạm giam hay không? Cụ thể như sau:

Em đang ngồi uống nước cùng bạn em thì có nhận được điện thoại từ một người khác gọi cho bạn em nói là bị đánh thì em cùng bạn em có dùng xe máy đến chỗ bạn em. Khi đến thì hai bên cãi vã nhau. Một lúc sau xô xát em có dùng gạch ném về phía bên kia nhưng không trúng ai thì bị vụt vào lưng thì em bỏ chạy. Anh của em bị nhóm bên kia đuổi đánh và trói vào nhà. Thì tất cả bọn em đi về được một đoạn thì có xe ô tô trở mang típ vót nhọn xuống thì tất cả bọn em quay đầu lại. Lúc này bạn em có lấy trong cốp xe một cái típ vót nhọn đưa cho em và tất cả đi vào nhà nơi giam giữ anh của em thì có gặp một nam thanh niên cầm kiếm. Em có dùng nửa viên gạch ném về phía thanh niên này nhưng không trúng thì bạn em cầm típ lao lên vụt vào vai người này ngã ra. Sau đó em cầm típ phi lên chỗ nam thanh niên này nhưng chưa đến nơi thì nam thanh niên này bỏ chạy thì bạn em và vài người khác đuổi theo đánh người này còn em thì không đuổi nữa. Sau khi nam thanh niên này chạy thì mấy người vào cắt dây trói cứu anh em ra ngoài. Tiếp tục trong nhóm em có mấy người lao đến cửa một nhà nào đó ở gần đấy. Em cũng lao lên nhưng không đâm chém gì vào cửa. Hiện tại nhà nam thanh niên kia bị đánh kia không có đơn kiện gì lên công an cả. Luật sư cho em hỏi hành vi của em bị xử phạt như thế nào ạ? Và có bị tạm giam được không? 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp thì với hành vi của bạn, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính về An ninh trật tự an toàn xã hội quy định như sau:

 

“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

...

 

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

...”.

 

Như vậy, bạn đã vi phạm quy định tại điểm a Khoản 2 và điểm a Khoản 3 về vì có hành vi đánh nhau với người khác và sử dụng típ sắt, gạch để đánh nhau, cố ý gây thương tích cho người khác. Theo đó, bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trên.

 

Về vấn đề bạn có thể bị tạm giam không, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 119. Tạm giam

 

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

 

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

 

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

 

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

 

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

 

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

 

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

 

3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

 

4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

 

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

 

b) Tiếp tục phạm tội;

 

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

 

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

 

5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

 

6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.

 

Như vậy, trường hợp của bạn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 119 nên có thể bạn sẽ không bị tạm giam.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo