Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11, quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Nội dung cụ thể như sau:

Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

 

Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

 

1. Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;

 

2. Họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó;

 

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

 

Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng

 

Những người sau đây có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng:

 

1. Kiểm sát viên;

 

2. Bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ;

 

3. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

 

thay-doi-nguoi-tien-hanh-to-tung-jpg-26052014014052-U1.jpg

Từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng (ảnh minh họa)

 

Thay đổi Điều tra viên

 

1. Điều tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

 

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

 

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Tòa án.

 

2. Việc thay đổi Điều tra viên do Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.

 

Nếu Điều tra viên là Thủ trưởng Cơ quan điều tra mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.

 

Thay đổi Kiểm sát viên

 

1. Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

 

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

 

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Tòa án.

 

2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên toà do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.

 

Nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

 

Trong trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

 

Việc cử Kiểm sát viên khác do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

 

Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm

 

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi, nếu:

 

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

 

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

 

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án.

 

2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định. Nếu Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.

 

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

 

Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

 

Việc cử thành viên mới của Hội đồng xét xử do Chánh án Toà án quyết định.

 

Thay đổi Thư ký Tòa án

 

1. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

 

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này;

 

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán hoặc Hội thẩm.

 

2. Việc thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định.

 

Việc thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định.

 

Trong trường hợp phải thay đổi Thư ký Toà án tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

 

Việc cử Thư ký Tòa án khác do Chánh án Toà án quyết định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo