LS Phùng Gái

Truy cứu trách nhiệm về tội vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ?

Câu hỏi tư vấn: Mẹ em năm nay 57 tuổi. Vào chiều 3h ngày 1-9 năm bính thân mẹ đi xe đạp đi chợ nhưng vì có một đoạn dóc nhỏ xíu mẹ không đạp lên mà dắt bộ xe sát lề đường (đúng đường).

 

Đường quốc lộ 8A đoạn xảy ra tai nạn không phải là góc cua hay bị khuất tầm nhìn mà rất thông thoáng, thì có một thanh niên học hết cấp 3, đang học cao đẳng nghề, uống rượu say chạy xe máy một mình với tốc độ rất nhanh đã đâm mẹ em từ phía sau( cùng chiều). Làm mẹ em ngã gãy cỗ và chết luôn tại đó, còn về nó thì bị đâm vào góc cây và có đi viện tuy nhiên không nặng. Gia đình em chờ nó về rồi mới giải quyết.

 

Vậy em xin hỏi luật sư đối với trường hợp mẹ em như thế thì đối tượng nam thanh niên đó sẽ bị xử lý thế nào mới đúng. Em xin trân thành cảm ơn!

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì việc nam thanh niên vào thời điểm tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia và đi với tốc độ nhanh dẫn tới vụ va chạm giao thông làm cho nạn nhân (mẹ bạn mất tại chỗ - trong khi mẹ đi đúng làn đường, không vi phạm quy định về giao thông đường bộ) được xác định là hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Do đó, để đối tượng nam thanh niên phải gánh chịu hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra thì gia đình làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hành sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và về gửi cơ quan điều tra để được giải quyết. Cụ thể, với hành vi trên người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

...”

 

Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng nam thanh niên còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Tuy nhiên, cần xác định đối tượng trên đã thành niên hay chưa để xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường cá nhân. Theo đó, nếu từ đủ 18 tuổi trở lên thì nam thanh niên phải tự chịu trách nhiệm bồi thường; nhưng trường hợp từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì họ phải bồi thường bằng tài sản của mình, không đủ tài sản thì phần còn cha, mẹ của nam thanh niên sẽ dùng tài sản của mình để thực hiện thay nghĩa vụ cho con. Cụ thể:

 

Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:

 

“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

 

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

 

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”

 

Theo đó, mức bồi thường được xác định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

 

 

Trân trọng!
CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo