Lại Thị Nhật Lệ

Trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và thực hiện bắt giữ yêu cầu người vay trả tiền vay.

Ngày 06/12/2012 chị A và anh H có lên vay gia đình tôi số tiền là 375,150,000đ (Ba trăm bảy mươi năm triệu một trăm năm mươi nghìn) (do chị A đứng tên chính trong hợp đồng) và có nói để sử dụng vào việc kinh doanh và đảo nợ ngân hàng vì anh chị lúc đấy gia đình anh H chị A đang sinh sống và kinh doanh nên chúng tôi mới tin tưởng cho anh chị vay.

 

Từ đấy đến nay anh H và chị A không hề có ý định trả nợ hay lên nhà khất nợ gia đình tôi bất cứ một lần nào mà đã bán nhà và thay số điện thoại để trốn về quê để chúng tôi không thể tìm hay gọi điện cho anh H chị A được,còn anh H thì vẫn chạy xe chở hàng lên nhưng a nói không có trách nhiệm gì về số nợ do vợ a đứng tên, nhiều lần chúng tôi vô tình bắt gặp thì anh H, chị A còn chửi bới doạ nạt chúng tôi rằng tao không trả chúng mày về nhà tao mà bắt mà lấy máu vợ chồng tao máu người tanh lắm chúng mày uống đi.

 

Đến ngày 15/03/2016 phải mất rất nhiều công sức, thời gian chúng tôi mới điều tra và bắt gặp được anh H đang chạy xe đổ hàng tôi mới bảo con tôi nhờ bạn bè và người dân xung quanh giữ anh H lại và mời về nhà tôi để hỏi về số tiền anh chị H, A nợ gia đình tôi nhưng anh H bỏ chạy con tôi hô hào mọi người xung quanh đuổi bắt anh H lại để báo công an nhưng anh H phản kháng lại nên đã bị bạn con tôi và một vài người dân nhưng con tôi không hề tham gia một chút nào vào việc xô xát trên. Anh H và chị A đã trình bày với cơ quan công an để đòi bồi thường ngày công lao động của anh H là 2 triệu đồng/ngày. Còn chị A buôn bán đại lý tạp hoá được khoảng 1-2 triệu đồng/ngày vậy là thu nhập bình quân 1 tháng của anh Hiển và chị Hải là khoảng từ 90 triệu đến 120 triệu đồng/tháng mà anh Hiển chị Hải không hề có ý định trả hay khất nợ để trả dần gia đình tôi.

 

Vậy tôi kính mong luật sư tư vấn giúp tôi là liệu anh H chị A đã đủ dấu hiệu để truy tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chưa ,và con tôi có bị truy cứu trách nhiệm trong vụ xô xát hay không, những người liên quan trong vụ xô xát sẽ bị xử lí ra sao?

 

Kính mong luật sư tư vấn và trả lời cho gia đình tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, Anh H và chị A đã đủ dấu hiệu để truy tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa?
 

Căn cứ theo Điều 139 bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

A) Có tổ chức;

 

B) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

C) Tái phạm nguy hiểm;

 

D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

G) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

...

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Như vậy, nếu người kia bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của bạn. Dùng thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng. Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao).

 

Trong trường hợp này của bạn, hành vi của anh H và chị A có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu khi thực hiện hành vi vay tiền anh H và chị A đưa ra các thông tin gian dối để vay tiền của gia đình bạn, nói là sử dụng vào mục đích kinh doanh, đảo nợ ngân hàng, đưa ra các thông tin làm cho bạn tin đó là sự thật và tin tưởng vào khả năng trả nợ của họ. Sau đó anh H và chị A lại có hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, bán nhà trốn về quê,  thay số điện thoại…

 

Anh H và chị A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điểm E khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”. Với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù giam.

 

Trong trường hợp này bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm lên công an xã phường thị trấn hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi của anh H và chị A kèm theo đơn tố giác là các chứng cứ chứng minh về hành vi trên. Đồng thời bạn có làm đơn kiện ra Tòa án nơi chị A đang cư trú, làm việc kiện đòi tài sản vay.

 

Do chị A vợ của anh H là người đứng tên trong hợp đồng vay nhưng nếu khi thực hiện vay tài sản hai vợ chồng anh H và chị A cố ý cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có sự tính toán, phối hợp, biết được mục đích vay tài sản là nhằm chiếm đoạt tài sản thì anh H sẽ được xác định là đồng phạm với chị A theo điều 20 của bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 

Thứ hai, Con bạn có bị truy cứu trách nhiệm trong vụ xô xát hay không, những người có liên quan trong vụ xô xát sẽ bị xử lí ra sao?

 

Đối với hành vi anh nhờ con và những người khác giữ anh H và đưa về nhà là hành vi vi phạm pháp luật. Con anh và những người tham gia trong việc bắt giữ anh H có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt giữ người trái phép theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

 

Và căn cứ theo Điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác :

 

 Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

 

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

e) Có tổ chức;

 

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

 

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

 

Cùng với các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì tùy từng trường hợp những người tham gia trong vụ bắt giữ và xô xát trên có thể còn bị xử lý thêm về  tội khác nếu có như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 Bộ luật hình sự) tùy theo tính chất và mức độ của hành vi. Ở đây để xác định hành vi của con bạn và những người khác tham gia vào vụ việc bắt giữ, đánh anh H thì phải dựa vào mức độ, tỉ lệ thương tích của anh H sau khi bị đánh.

 

Con bạn và những người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu anh H đi giám định mà tỉ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.Trong trường hợp anh H đi giám định mà tỉ lệ thương tích dưới 11% nhưng con bạn và những người khác thực hiện bàn bạc tổ chức , lặp kế hoạch để bắt giữ, đánh anh H thì những người tham gia vào vụ việc trên có thể sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Đối với tội cố ý gây thương tích, con bạn không tham gia vào vụ xô xát nhưng lại có hành vi hô hào người khác:

 

  • Nếu con bạn chỉ có hành vi hô hào những người khác bắt giữ anh H thì có thể bị truy cứu về tội bắt giữ người tái phép với vai trò là đồng phạm mặc dù không có hành vi bắt giữ nhưng trong trường hợp này sẽ được xác định là người có hành vi xúi dục theo Điều 20 bộ luật hình sự.

 

  • Nếu con bạn vừa có hành vi hô hào người khác bắt giữ đồng, đánh anh H thì có thể ngoài tội bắt giữ người trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với là đồng phạm với những người khác tội cố ý gây thương tích với vai trò là người xúi giục.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và thực hiện bắt giữ yêu cầu người vay trả tiền vay.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo