Nguyễn Ngọc Ánh

Trách nhiệm pháp lý khi không có bằng lái xe máy gây tai nạn

Chào Luật sư! Tôi có một thắc mắc cần được Luật sư giải đáp giúp. Hy vọng nhận được hồi âm sớm! Cụ thể trường hợp như thế này:


Nội dung yêu cầu:  Mẹ tôi (năm nay đã 52 tuổi) là người điều khiển xe máy nhưng không có bằng lái xe. Vào hôm kia, do không chú ý quan sát nên mẹ tôi đã vô tình đụng vào chiếc xe đạp khác đang lưu thông cùng chiều, tuy nhiên cú va chạm đó không quá mạnh. Nhưng không may là người đi xe đạp đã lớn tuổi nên không phản ứng kịp thời cũng như không giữ được thăng bằng tốt, do đó ông cụ đã ngã xuống đất. Ngay lúc đó, mẹ tôi đã đưa ông vào viện cấp cứu và ông cụ được chẩn đoán là tổn thương nội sọ, phải phẩu thuật để lấy máu bầm. Trong suốt quá trình đó, gia đình chúng tôi đã đóng đầy đủ tiền viện phí, chi phí phẩu thuật và thuốc thang cho ông. Hiện tại, chiếc xe gây tai nạn đã bị công an tạm giữ. Tuy nhiên, chiếc xe đó do anh ruột của tôi đứng tên. Nay tình trạng của ông cụ (61 tuổi) đã khá hơn, máu bầm cũng đã được rút ra hết, ăn uống được và nói chuyện được, sức khỏe đang hồi phục tốt. Mẹ tôi chưa từng có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt, lần đầu gây tai nạn. Tôi muốn biết rằng mẹ tôi sẽ phải đóng phạt hành chính bao nhiêu và có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ? Nếu có thì cụ thể hình phạt là như thế nào? Có thể giảm nhẹ được hay không? Anh trai tôi có bị phạt gì không? Rất mong nhận được hồi âm sớm của Luật sư! Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

*Xét về trách hiệm pháp lý của mẹ: người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn

 

Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

 

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

 

đ) Làm chết 02 người;

 

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

 

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

…”.

 

Điều 2 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt:

 

"1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây: 

 

a) Làm chết một người; 

 

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; 

 

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; 

 

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng; 

...

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng".

 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp một người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện giao thông: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác thì bị truy cứu TNHS.

 

Đối với trường hợp của mẹ bạn, khi điều khiển phương tiện do thiếu quan sát; không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật gây ra tai nạn giao thông nên chúng tôi chia hai trường hợp:

 

Thứ nhất, trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân từ 31% trở lên, hoặc từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng thì mẹ của bạn sẽ bị truy cứu TNHS. Tỷ lệ tổn hại cho sức khỏe được thể hiện tại Kết luận giám định của Trung tâm giám định pháp y theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan có thẩm quyền.

 

Xét về hình phạt, căn cứ tạiĐiều 260 BLHS 2015; Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015; Nghị quyết 144/2016/QH13:

 

+/ Trường hợp gây tai nạn với tỷ lệ tổn thương của nạn nhân từ 31% tới dưới 60% thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

+/ Trường hợp gây tai nạn với tỷ lệ tổn thương của nạn nhân từ 61% trở lên, không có bằng lái xe theo quy định sẽ bị áp dụng khung hình phạt tù từ 03 năm tới 10 năm (Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015).

 

Đối với vụ việc trên, để giảm nhẹ TNHS thì mẹ bạn cần thành khẩn khai báo với Cơ quan điều tra; tự nguyện khắc phục hậu quả do hành vi trên gây nên (thanh toàn tiền viện phí, bồi thường những khoản tiền theo Luật định),...và có thể thỏa thuận với người nhà nạn nhân hoặc nạn nhân có đơn xin giảm nhẹ TNHS cho mẹ bạn,...

 

Bạn và gia đình có thể tham khảo các tình tiết  giảm nhẹ TNHS tại bài viết: Hỏi tư vấn về các tình tiết giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự

 

Thứ hai, trường hợp không gây ra những hậu quả nghiêm trọng (cụ thể là tỷ lệ thương tật dưới 31%; và không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản) thì mẹ bạn sẽ không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, mẹ của bạn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nộp phạt hành chính theo quy định.

 

Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ - CP quy địnhXử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

 

“7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 

a) Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;

 

b) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông;

 

c) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”.

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bạn và gia đình có thể tham khảo tại bài viết: Bồi thường khi tham gia giao thông gây tai nạn.

 

*/ Xét về trách nhiệm pháp lý của anh bạn: chủ sở hữu giao cho người không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện gây tai nạn.

 

Điều 264 BLHS 2017 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

 

“Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

…”.

 

Tương tự như phân tích trên, trường hợp người nào giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị truy cứu TNHS. Căn cứ vào hành vi của người vi phạm; căn cứ vào kết luận giám định của Cơ quan giám định pháp y để Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án ra phán quyết định tội danh, hình phạt cụ thể và mức bồi thường thiệt hại đối với anh của bạn.

 

Trường hợp ngược lại, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 61% thì anh của bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải nộp phạt hành chính và bồi thường thiệt hại:

 

Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ – CP Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:

 

“4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).”.

 

Trân trọng!

CV. Nguyễn. N. Ánh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo