Nguyễn Ngọc Ánh

Trách nhiệm pháp lí đối với người thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em

Luật sư cho e hỏi: Chồng e 27 tuổi co vợ 1 con. a ấy có quan hệ với cô bé cả 2 đều tự nguyện ,e có hỏi thì bé đó nói 20 tuổi, cũng gặp có giải thích a đã có vợ. Chồng e cũng nói là chấm dứt với bé đó, bé đó không chịu cứ bám theo a. Giờ gia đình con bé đó gài bẫy để bắt a mới biết chỉ có 14, 15 tuổi. A có bị xử phạt không? E có thể thưa ngược lại bé đó vi phạm luật hôn nhân gia đình không? Quy định thế nào? Mong luật sư tư vấn, em xin cảm ơn.


Trách nhiệm pháp lí đối với người thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em

Trách nhiệm pháp lí đối với người thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em ( Ảnh minh họa)

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về truy cứu trách nhiệm hình sự

 

Trước tiên, chị cần xác định chính xác tuổi của người con gái kia. Nếu như chị trình bày, người con gái trên chỉ mới 14, 15 tuổi thì chúng tôi sẽ tư vấn trách nhiệm pháp lí của chồng chị trong trường hợp này.

 

Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:

 

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

b) Đối với 02 người trở lên;

 

c) Có tính chất loạn luân;

 

d) Làm nạn nhân có thai;

…”

 

Chồng của chị 27 tuổi (là người đã thành niên) thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em (theo như chị trình bày là 14, 15 tuổi); hai bên hoàn toàn tự nguyện. Theo quy định của pháp luật hình sự, đối với loại tội phạm này không bắt buộc người thực hiện hành vi phạm tội phải biết tuổi của nạn nhân thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ cần xác định tuổi nạn nhân từ đủ 13 tuổi tới dưới 16 tuổi; hai bên hoàn toàn tự nguyện thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu TNHS với tội giao cấu với trẻ em.

 

Chị có thể xác đinh chính xác tuổi của nạn nhân, nếu tuổi của người này đủ 16 tuổi thì trong trường hợp này chồng của chị sẽ không bị truy cứu TNHS.

 

Thứ hai, về vấn đề bồi thường thiệt hại trong dân sự

 

Nếu người bị hại (người con gái hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại) có yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì “tình tiết người con gái đó bám theo, rồi gia đình phía bên kia gài bẫy chồng của chị” mới là tính tiết có lợi khi xác định mức bồi thường cụ thể.

 

Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

 

Như vậy, mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ căn cứ vào mức độ lỗi. Cả nguyên đơn và bị đơn trong trường hợp đều có quyền và nghĩa vụ chứng minh, vì vậy đây sẽ là căn cứ để giảm mức bồi thường cho chồng của chị trong trường hợp này.

 

Cuối cùng, với hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có vợ được quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

 

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

 

đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;

 

e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.”

 

Và theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

 

“Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

 

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

 

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.

 

Người con gái trên theo chị cung cấp khoảng 14, 15 tuổi nên chị có quyền tố giác hành vi vi phạm trên và người con gái trên có thể sẽ bị xử phạt hành chính.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo