Luật sư Vũ Đức Thịnh

Trách nhiệm hình sự khi điều khiển xe không có GPLX mà gây tai nạn

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp điều khiển xe ô tô không có bằng lái gây tai nạn chết người, xác định trách nhiệm hình sự và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?


Nội dung đề nghị tư vấn:

Xin chào công ty luật Minh Gia. Tôi có 1 câu hỏi xin quý công ty trả lời giúp, câu hỏi như sau.
Tôi có 1 người bạn sinh năm 1989 hiện là công nhân 1 công ty xây dựng. Công việc chính của bạn tôi là lái máy xúc. Trong quá trình làm việc bạn tôi gây ra tai lạn giao thông làm chết 1 người, tôi xin kể tình tiết vụ tai nạn như sau:
- Bạn tôi lái ô tô 9.5 tạ chở gạch trên đường đang thi công ở công trường thì xẩy ra tai nạn. (không có bằng lái ô tô).
- Trong quá trình tham gia giao thông bạn tôi không sử dụng chất kích thích, không nghe điện thoại.
-Bạn tôi lái xe theo sự sắp xếp của chỉ huy công trường.
- Sau khi xẩy ra tai nạn đã gọi điện và đưa người đi cấp cứu sau đó đến trình báo với cơ quan công an.
- Đã đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với bạn tôi.
- Thân nhân gia đình bạn tôi tốt, gây tai nạn lần đầu, không có tiền án, tiền sự.
Vậy tôi xin hỏi công ty phương án giải quyết, khung hình phạt, các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án của bạn tôi là như thế nào?
Xin cảm ơn luật sư!
 

Trách nhiệm hình sự khi điều khiển xe không có GPLX mà gây tai nạn
Trách nhiệm hình sự khi điều khiển xe không có GPLX mà gây tai nạn
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới CÔng ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

 

Tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

 

“1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

 

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

 

a) Đăng ký xe;

 

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

 

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

 

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

 

Như vậy, theo quy định trên, người lái xe khi tham gia giao thông bắt buộc phải có GPLX.

 

- Thứ hai, về trách nhiệm của cơ quan đã điều động hoặc giao việc cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn của bạn có công việc chính là lái máy xúc. Tuy nhiên, khi gây ra tai nạn bạn của bạn lại điều khiển xe ô tô 9,5 tạ (chở gạch). Như vậy, có thể công ty xây dựng đã điều động/giao cho bạn của bạn nhiệm vụ lái ô tô chở gạch như vậy. Và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên theo quy định của pháp luật, công ty xây dựng (người ra quyết định điều động/giao) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

 

“1. Người nào có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

…”

 

- Thứ ba, trách nhiệm hình sự của người lái xe không đủ điều kiện tham gia giao thông

 

Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộnhư sau:

 

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

…”

 

Như vậy, theo quy định trên, bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ theo quy định đã nêu trên.

 

- Thứ ba, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

 

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

 

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

 

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

 

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

 

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

 

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

 

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

 

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

…”

 

Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng như sau:

 

“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

…”

 

Như vậy, nếu bạn của bạn có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại ĐIều 51 đã nêu trên thì bạn của bạn sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo