Triệu Lan Thảo

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả bằng tốt nghiệp

Em có đứa bạn thi rớt tốt nghiệp THPT, sau đó nó che giấu gia đình, đến kỳ nghĩa vụ bố nó tưởng nó đậu tốt nghiệp nên đăng ký hồ sơ đi nghĩa vụ công an. Nó tưởng đi nghĩa vụ công an cũng giống như đi nghĩa vụ bộ đội không cần bằng nên nó cũng đồng ý và làm hồ sơ. Đến khi công an huyện họ đòi bằng thì nó k biết phải làm sao vì 1 phần là sợ gia đình nó biết nó rớt tốt nghiệp.


Nên nó đã photo và in ra giấy chứng nhận tốt nghiệp giả và nộp xuống công an, qua hôm sau nó được mời lên lập biên bản tiếp theo đó vài ngày sau nó được công an điều tra nội bộ mời lên làm việc, khi đó nó xuống thành thẩn khai báo quá trình nó làm tờ giấy đó. Ngày hôm sau đó nó được mời xuống để công an dẫn đi làm lại hiện trường, nó vô quán nét đánh word và đùng photoshop để làm ra sau đó nó lưu lại và ra quán nhờ người ta photo rồi nôp. Vậy cho em hỏi nếu nó bị phạt mức án là như nào ạ ở tù hay bị phạt tiền? án này có nghiêm trọng hay k, nếu nó bỏ trốn và không làm việc với công an nữa thì nó có bị truy nã hay không? hoặc khi nó trốn mà bị bắt, tổng cộng án của nó là bao nhiêu? thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự của nó là bao nhiêu?

Trả Lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn của bạn có hành vi làm giả bản photo của bằng tốt nghiệp THPT, do hành vi làm giả là làm giả bản sao không có dấu đỏ thay vì làm giả bản chính, nên hành vi này không được coi là làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Hành vi của người này đã vi phạm điều cấm trong hoạt động in được quy định tại Nghị định60/2014/NĐ-CP:


Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm


3. Lợi dụng hoạt động chế bản, in, gia công sau in, photocopy để tạo ra, phát tán trái phép sản phẩm in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều này; làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước; trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất hàng giả.

 

Theo đó, người này chỉ bị xử lý hành chính và chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

 
Do bạn có đặt câu hỏi về vấn đề truy nã và xử lý hình sự với đối tượng bị truy nã nên chũng tôi cũng cung cấp những thông tin như sau:

Theo thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC:
 
“Điều 2. Đối tượng bị truy nã:
 
1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
 
2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
 
3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
 
4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
 
5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
 
Điều 4. Ra quyết định truy nã
 
1. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
a) Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
 
b) Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.
 
2. Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã; trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã”.
 
Như vậy, nếu bị can, bị cáo hoặc người bị kết án bỏ trốn, không phối hợp làm việc với cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án có thể bị truy nã.

 

Hành vi bỏ rốn không phải là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017) nhưng nếu bị can bỏ trốn thì không được ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, hợp tác điều tra.
 
Thứ ba, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 27 Bộ luật hình sự 2015. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

 

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

 

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

 

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

 

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

 

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

 

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

 

Tùy thuộc vào loại tội phạm mà thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự có thể là 05, 10, 15 hoặc 20 năm. Tuy nhiên, nếu người đó cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

 

Trân trọng!
CV. Ngô Văn Minh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo