Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm đối với người có hành vi hủy hoại tài sản của người khác?

Đất vườn nhà ông A và đất vườn nhà ông B giáp nhau một đoạn hàng rào, và hàng rào này nằm trên đất vườn ông A từ rất lâu. Trước đây hai thửa đất của ông A và ông B cách nhau một lối đi chung của xóm (khoảng 1-1,5m), hiện nay đã có đường đi mới nên ông B canh tác thêm phần đất ở đoạn đường ngang qua đất vườn nhà ông. Và trong đoạn rào này có một hàng Sưa Trắng đã trên 30 tuổi.

 

Ông B cho rằng cây sưa đổ lá sang nhà, nên ông B dùng lửa đốt chết 2 cây nhưng không hề trao đổi gì với nhà ông A, vụ việc được phát hiện vào ngày 01/02/2015. Ngày 03/02/2015, ông A gửi đơn đến Ban dân chính thôn. Đến ngày 09/02/2015, Tổ hòa giải cơ sở của thôn (nơi ông A và ông B cư trú) đã mời hai bên đến giải quyết. Tại buổi làm việc này, ông B đã thừa nhận có đốt chết cây của ông A và đồng ý ký tên vào biên bản. Ông A không chấp nhận hòa giải và yêu cầu ông B phải bồi thường thiệt hại. Kết quả hòa giải không thành, Tổ hòa giải chuyển vụ việc cho UBND xã giải quyết. Trong thời gian một năm, ông B không trao đổi gì với gia đình ông A. Nên đến ngày 02/02/2016, ông A tiếp tục gửi đơn nhờ UBND xã giải quyết. Ngày 09/3/2016, UBND xã mời ông A và ông B đến trụ sở để hòa giải nhưng ông B không đi và vợ ông B đi thay. Do thời gian xảy ra vụ việc, vợ ông B không có mặt tại địa phương, đương sự là ông B chứ không phải vợ ông nên Hội đồng hòa giải không giải quyết. Ngày 14/3/2016, UBND xã tiếp tục mời, ông B có đến trụ sở UBND xã nhưng trễ so với thời gian quy định 70 phút, Hội đồng hòa giải không giải quyết. Ngày 16/3/2016, UBND xã mời hai bên đến để giải quyết. Tại buổi làm việc này, ông B không xác nhận ý kiến tại biên bản giải quyết lần đầu của Tổ hòa giải ở thôn và cho rằng ông không đốt, đồng thời ông không có đủ tiền để bồi thường. Hội đồng hòa giải kết luận hòa giải không thành. Ông A đề nghị UBND hướng dẫn thủ tục để gửi hồ sơ lên Tòa giải quyết.

 Vậy theo các luật gia, việc làm của ông B có đúng không? nếu ông B vi phạm luật thì phải xử lý như thế nào? Trình tự giải quyết từ thôn đến xã như thế đã đảm bảo chưa? Nếu ông A yêu cầu đưa vụ việc đến Tòa án thì cần thủ tục và trình tự gì? 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì hai cây Sưa Trắng trên 30 tuổi thuộc quyền sở hữu của gia đình ông A, nên đối với hành vi của ông B thực hiện đốt hai cây sưa trắng trong khi chưa có sự đồng ý của gia đình ông A thì được coi là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Đồng thời, tại buổi hòa giải cơ sở ngày 9/2/2015 ông B đã thừa nhận và ký tên vào biên bản xác nhận về hành vi của mình. Tuy nhiên, hai bên không tự thỏa thuận được về mức bồi thường.

 

Ngày 16/3/2016 tại buổi làm việc tại Uỷ ban nhân dân, ông B không thừa nhận về hành vi của mình và không chấp nhận ý kiến tại biên bản giải quyết của Tổ hòa giải ở thôn. Tuy nhiên lại không đưa ra được lý do chính xác về việc ký xác nhận ngày 9/2/2015 nên kết luận buổi hòa giải không thành. Vì vậy, trong trường hợp này thì để đảm bảo được quyền lợi ông A có quyền làm đơn khởi kiện trực tiếp ra Tòa án nhân dân huyện để yêu cầu được giải quyết. Nhưng để xác định hành vi của ông B có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính thì cần xét tới giá trị tài sản thiệt hại là bao nhiêu. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009:

 

Điều 143*. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

 

Như vậy, nếu giá trị tài sản ( hai cây sưa) từ hai triệu đồng trở nên thì ông B có thể gánh chịu trách nhiệm hình sự theo quy định trên. Ngoài ra, sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông A tương ứng với giá trị của tài sản bị thiệt hại.

 

-Hồ sơ khởi kiện của gia đình ông A gồm:

 

+Đơn khởi kiện đối với hành vi cố ý hủy hoại tài sản của người khác.

 

+Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với cây Sưa trắng;

 

+Biên bản xác nhận về hành vi cuả ông B ngày 9/2/2015 và biên bản hòa giải không thành ngày 16/3/2016;

 

+Giấy tờ chứng minh nhân thân( CMTND..).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm đối với người có hành vi hủy hoại tài sản của người khác? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo