LS Trần Liên

Trách nhiệm bồi thường khi gây tổn hại sức khỏe cho người khác

Nhóm bạn chủ động đánh bạn em trước, lúc đông lộn xộn bạn em lấy được 1 con dao rồi đâm vào 1 người trong đám thanh niên ấy, gây thủng dạ dày, thương tích 17%.

Nội dung câu hỏi:
 
Em chào Luật sư, LS tư vấn giúp em trường hợp này với ạ. E có đứa bạn năm nay 22t. Có xích mích với 1 nhóm bạn. Đợt tết bạn e đã đánh 1 người trong nhóm kia phải khâu mấy mũi, 2 gia đình tự hòa giải với nhau. Hôm vừa rồi nhóm thanh niên kia gặp bạn e ở quán ăn 1 mình, chủ động đánh bạn em trước, lúc đông lộn xộn bạn em lấy được 1 con dao rồi đâm vào 1 người trong đám thanh niên ấy, gây thủng dạ dày, thương tích 17%. Dạ Luật sư cho e hỏi trong trường hợp này bạn e có phải trường hợp phòng vệ chính đáng không ạ? Nếu 2 bên không hòa giải thì ra tòa sẽ như thế nào ạ. Em cảm ơn. Rất mong nhận được hồi âm của LS ạ
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

-Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự

 

Tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

 

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

 

Theo quy định trên, phòng vệ chính đáng được hiểu là người bị hại để bảo vệ mình đã dùng hành vi đáp trả lại một cách cần thiết và tương xứng với hành vi tác động vào họ. Nếu hành vi đáp trả vượt quá mức cần thiết (không tương xứng với hành vi xâm hại ban đầu) thì được coi là vượt quá phòng vệ chính đáng và hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Trường hợp này, người bạn của bạn gặp nhóm bạn kia ở một quán ăn và bị nhóm bạn đó chủ động đánh mình, sau đó người bạn của bạn đã cầm dao đâm vào 1 người trong nhóm bạn kia bị thủng dạ dày gây thương tích 17%. Trường hợp này, bạn cần xác định rõ là hành vi mà nhóm bạn kia thực hiện đánh người bạn của bạn có tương xứng với hành vi cầm dao đâm thủng dạ dày gây thương tích 17% hay không? Hiện nay, bạn không nêu rõ hành vi nhóm bạn kia đánh người bạn này ở mức độ nào mà bạn chỉ đề cập tới việc do bị đánh người bạn của bạn đã cầm dao đâm một người bị thủng dạ dày nên chúng tôi có cơ sở để xác định sự tương xứng của hai hành vi này. Trường hợp này có thể thuộc một trong hai trường hợp sau:

 

+ Trường hợp 1: Nếu hai hành vi này có tính chất tương xứng và cần thiết phải đáp trả thì sẽ coi là phòng vệ chính đáng và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

+ Trường hợp 2: Tuy  nhiên, nếu hành vi đáp trả của người bạn này không tương xứng với hành vi dùng vũ lực của nhóm bạn kia và vượt quá mức cần thiết thì sẽ coi là vượt quá phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm tại Điều 136 Bộ luật hình sự 2015.

 

Điều 136 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

 

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”.

 

Theo đó, người nào gây thương tích cho người khác tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thường tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

 

Trong trường hợp hành vi của người bạn của bạn không vượt quá mức cần thiết và gây thương tích 17% cho một người khác thì chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 136 Bộ luật hình sự.

 

Như vậy, cả hai trường hợp thì hành vi của người bạn không đủ dấu hiệu cấu thành tội tại điều 136 Bộ luật hình sự. Hành vi này của người bạn của bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 136 Bộ luật hình sự.

 

-Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tới sức khỏe của người khác

 

Trách nhiệm của người bạn này là quan hệ dân sự bồi thường ngoài hợp đồng do xâm phạm tới sức khỏe của người khác.

 

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Theo đó, nếu một người do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tới sức khỏe của người khác thì có trách nhiệm bồi thường đối với người bị thiệt hại về sức khỏe.

 

Mức bồi thường bao gồm: chi phí cứu chữa, điều trị của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập bị mất hoặc giảm sút của người nhà của người thiệt hại do phải nghỉ việc chăm sóc người đó; bồi thường một khoản tổn thất về tinh thần (nếu không thỏa thuận được thì áp dụng quy định của pháp luật không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

 

Như vậy, nếu hai bên thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thì có thể tự giải quyết với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa giải quyết và trong trường hợp này người bạn của bạn phải bồi thường cho người bị đâm thủng dạ dày kia.

 

Trân trọng!
CV.Trần Liên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo