Lại Thị Nhật Lệ

Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và trách nhiệm bồi thường

Người thân của tôi không may bị tai nạn giao thông đã qua đời, hiện kẻ gây tai nạn đã bị khởi tố theo khoản 2, điều 202 BLHS 1999 hay 260 BLHS 2015 thì tôi chưa nắm rõ. Bị can vi phạm các lỗi sau: Điều khiển phương tiện sử dụng rượu (nồng độ cồn khoảng 0.7), tốc độ cao (chưa rõ kết quả giám định tốc độ nhưng chắc chắn vượt quá), không nhường đường cho người đi bên trái khi vào vòng xuyến, vượt phải ô tô trước khi gây tai nạn. Cả người nhà tôi và bị can đều điều khiển xe máy, bị can đã đủ 18 tuổi

 

Gia đình bị can đã đến gia đình tôi thăm hỏi và đề nghị bồi thường nhưng hỏi là gia đình tôi muốn bồi thường bao nhiêu tiền để thu xếp (gia đình bị can khá nghèo). Gia đình chúng tôi không chấp nhận kiểu ăn nói như vậy và đề nghị gia đình bị can tự phải đưa ra mức bồi thường, gia đình tôi không thể đưa ra "giá" cho mạng sống người thân chúng tôi cả. Sau đó gia đình bị can không đến nữa và đã tự nộp 50tr đồng cho CQĐT để bồi thường thiệt hại, hiện số tiền vẫn ở CQĐT. Gia đình bị can nói là đến bị gia đình tôi không tiếp đón nên không đến nữa và cũng không có tiền, chỉ có vậy thôi.  Trong đơn gia đình chúng tôi gửi CQĐT đã đề nghị bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể theo như tính toán các khoản là khoảng 180 triệu đồng. Tôi nắm được thông tin là gia đình bị can cố ý chỉ đền bù như vậy, còn số tiền đáng lẽ đền bù còn lại thì đem đi chạy chọt...Vậy tôi xin tư vấn: Như gia đình bị can đền bù nhưng không thoả đáng và gia đình tôi không chấp nhận mức bồi thường đó, thì khi ra toà bị can có được hưởng tình tiết giảm nhẹ "đã bồi thường thiệt hại" hay không? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Căn cứ theo Điều 202* bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009  quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:
 

 

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

…”

 

Theo thông tin ban cung cấp, người gây tai nạn vi phạm các lỗi sau: Điều khiển phương tiện sử dụng rượu (nồng độ cồn khoảng 0.7), tốc độ cao (chưa rõ kết quả giám định tốc độ nhưng chắc chắn vượt quá), không nhường đường cho người đi bên trái khi vào vòng xuyến, vượt phải ô tô trước khi gây tai nạn gây ra hậu quả chết người theo đó người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất của vụ án để đưa ra khung hình phạt và mức hình phạt tương ứng.

 

Căn cứ theo Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

A) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

B) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

..."

 

Theo đó người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả thì được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu người gây ra tai nạn đưa ra mức bồi thường thấp hơn so với mức thực tế, không trực tiếp thỏa thuận với gia đình người bị hại mà gửi tiền bồi thường thông qua cơ quan điều tra thì không được coi là một tình tiết giảm nhẹ.

 

Bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng, kịp thời, mức bồi thường phải tương ứng với mức độ lỗi và thiệt hại xảy ra trên thực tế. Theo Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì bồi thường thiệt hại về tính mạng bao gồm: Chi phí viện phí điều trị của mẹ bạn trước khi mất; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
 

Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Tòa án sẽ xem xét về mức độ vi phạm, lỗi của hai bên và mức chi phí trên thực tế để đưa ra mức bồi thường hợp lý.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo