Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội trộm cắp tài sản có được hưởng án treo không?

Chào luật sư! Luật sư cho em hỏi: anh rể em phạm tội trộm cắp lần này là lần thứ 3 vào tháng 12/2013. Lần thứ 2 anh phạm tội là vào tháng 10/2013 đã bị xử phạt hành chính. Hiện anh là lao động chính trong gia đình nuôi con nhỏ được 14 tháng tuổi và mẹ già bị bệnh thần kinh. Vợ anh chưa có việc làm.

Vậy anh em có khả năng được hưởng án treo không ạ? Hiện tại anh đang bị tạm giam, vậy gia đình có thể bảo lãnh cho anh về tại ngoại cờ khi nào tòa triệu tập được không ạ?

 

Công ty Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì:

 

Điều 60. Án treo
 

1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
 

2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
 

3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
 

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
 

 5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.

 

Căn cứ vào quy định của pháp luật thì để được hưởng án treo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

Thứ nhất, bị xử phạt tù không quá ba năm.

 

Thứ hai, có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, chưa có tiền án tiền sự, có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng.

 

Thứ ba, có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng.

 

Thứ tư, nếu không bắt người phạm tội chấp  hành hình phạt thì không gây nguy hiểm cho xã hội.

 

Khi đáp ứng đủ những điều kiện trên thì anh bạn sẽ được hưởng án treo. Tuy nhiên như bạn đã trình bày với chúng tôi thì đây là lần phạm tội thứ ba của anh bạn, do đó anh bạn không phải là một người có nhân thân tốt và việc này dẫn đến anh bạn không đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng án treo.

 

Đối với vấn đề bảo lãnh thì trong tố tụng hình sự không có quy định về vấn đề bảo lãnh mà chỉ có quy định về vấn đề bảo lình. Bảo lĩnh được quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

 

Điều 92. Bảo lĩnh.
 

1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.


2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ hức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tố chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.


3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.


4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.


5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Bởi vì biện pháp bảo lĩnh sẽ được thay thế cho biện pháp tạm giam, cá nhân hoặc tổ chức làm giấy cam đoan phải có nghĩa vụ không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, bảo đảm sự có mặt của bị can bị cáo theo giấy triệu tập, do vậy khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh thì bị can, bị cáo thường là người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn… Đối với trường hợp của anh bạn thì đây là lần phạm tội thứ ba, nhân thân không còn trong sạch, nên việc làm giấy bảo lĩnh để thay thế biện pháp tạm giam sẽ rất khó được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận và áp dụng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tội trộm cắp tài sản có được hưởng án treo không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng

Luật gia: Nguyễn Thị Thu - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo