LS Nguyễn Thùy Dương

Tội cố ý gây thương tích.

Thưa luật sư ,vừa qua em trai của em cùng với nhóm bạn trên đường đi chơi về bị 1 nhóm thanh niên cầm mã tấu chặng đường ,sau khi lời qua tiếng lại em trai của em ra tay trước đánh nhưng không ai bị gì,sau đó em trai em bị 1 người trong nhóm thanh niên đó đánh lúc đó em trai em bị đánh và nằm xuống đường thì người bạn của em em lấy 1 cục đá ném từ xa trúng cái người đang đánh em trai em .gây cho người này bị chấn thương ở đầu ,phải nhập viện mổ.hiện tại thì em chưa biết người này bị thương tích

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với em trai bạn:

 

Theo trình bày của bạn thì nhóm thanh niên kia cầm mã tấu chặn đường, tuy nhiên họ chưa có hành vi nào thể hiện gây thương tích cho đối phương (ở đây là em trai bạn và bạn của em trai bạn) nhưng em trai của bạn lại ra tay đánh trước.

 

Như vậy theo quy định của bộ luật hình sự, em trai của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo  Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

...”

 

Thứ 2: Đối với bạn của em trai bạn:

 

Khi em trai bạn bị 1 người trong nhóm thanh niên đó đánh nằm xuống đường thì người bạn đã  lấy 1 cục đá ném từ xa trúng người đang đánh em trai bạn và gây chấn thương cho người này ở đầu.

 

Căn cứ, Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”

 

Mặt khác, thực tiễn xét xử công nhận hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau dây:

 

- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

 

- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

 

- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

 

- Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

 

Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

 

Xét cụ thể vào trường hợp của bạn em trai bạn.

 

Vì em trai bạn đang bị đánh nằm xuống đường (tức là hành vi của người đánh đang trực tiếp gây ảnh hưởng tới lợi ích của em trai bạn, gây thiệt hại về sức khỏe,tính mạng của em trai bạn.).  Nên hành vi cầm đá ném người đang đánh em trai bạn có thể coi là một hành vi phòng vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích của người khác  đẩy lùi sự tấn công, chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

 

Tuy nhiên, để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xẩy ra sự việc v.v... Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

 

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là cần thiết thì đó là phòng vệ chính đáng.

 

Như vậy,  tùy vào chi tiết vụ việc xảy ra bạn có thể áp dụng những quy định và hướng dẫn trên để áp dụng vào tình huống của mình xem hành vi chống trả của bạn em trai bạn có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không!

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn hình sự - công ty Luật Minh Gia


Tham khảo thêm:

Cố ý gây thương tích có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thế nào thì được coi là phòng vệ chính đáng?

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo