Cà Thị Phương

Tình tiết tăng nặng của tội cướp giật tài sản khi thực hiện phạm tội 2 lần.

Luật sư tư vấn tình tội Cướp giật tài sản, các quy định về dấu hiệu định tội, định khung hình phạt và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo luật hiện hành. Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư! Em đang có một vấn đề thắc mắc về lĩnh vực hình sự, mong luật sư tư vấn giúp em a. Em cám ơn luật sư nhiều. Nội dung cụ thể như sau: A và B rủ nhau tìm tài sản sơ hở chiếm đoạt bán lấy tiền tiêu xài. Sau đó A và B đến khu vực núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh phát hiện 01 cặp vợ chồng có đeo trên cổ sợi dây chuyền, A và B phân công nhau A sẽ giật dây chuyền rồi đưa cho B cất giữ. Sau đó A đến chen lấn và giật sợi dây chuyền của người chồng rồi tiếp tục giật sợi dây chuyền của người vợ nhưng chỉ lấy được 01 đoạn dây chuyền của người vợ rồi A đưa đoạn dây chuyền giật được của người vợ cho B thì lúc này người vợ phát hiện và quay qua giữ lấy tay B cùng tri hô. Thấy vậy A vứt bỏ sợi dây chuyền giật được của người chồng xông vào ngăn cản vợ chồng kia để cho B tẩu thoát, cùng lúc này người dân và công an đến bắt giữ A và B. Vấn đề đặt ra là: A và B phạm tội cướp giật tài sản. Còn về tình tiết tăng nặng thì sao ạ, nhờ luật sư tư vấn giúp em là A và B có phạm tội 02 lần hay không và có rơi vào tình tiết hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm không ạ.Mong luật sư phản hồi sớm giúp em, cảm ơn luật sư nhiều!

 

Trả lời tư vấn; Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định, hướng dẫn tại Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

 

“Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

 

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

 

a) Phạm tội có tổ chức;

 

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

 

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

 

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

 

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

 

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

 

i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;

 

k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tậtđặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

 

l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

 

m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;

 

n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

 

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

 

p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”.

 

Căn cứ theo qui định trên thì “Phạm tội 2 lần trở lên” là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đồng thời cũng là một tình tiết định khung của nhiều tội trong BLHS. Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định phạm tội hai lần được hiểu là phạm cùng một tội, từ 02 lần trở lên, nhưng những lần trước chưa bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội danh đó.

 

Theo đó, xét về bản chất của tình tiết  “Phạm tội 02 lần trở lên” có các đặc điểm sau:

 

Một là, phạm tội 02 lần trở lên là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (ví dụ: nhiều lần cướp giật, nhiều lần hiếp dâm…).

 

Hai là, nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.

 

Ba là, tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS (cùng là tội cướp giật, hiếp dâm…), có thể cùng một khoản, cũng có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

 

Bốn là, các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án… và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án.

 

Năm là, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

 

Từ những phân tích trên, đối chiếu với thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi thấy rằng hành động của  và B chưa đủ căn cứ để kết luận hành động này thuộc vào tình tiết “phạm tội 2 lần” được. Bởi lẽ A và B phân công nhau A sẽ giật dây chuyền của 2 vợ chồng, hành động cướp giật dây chuyền được diễn ra  cùng một thời điểm và được thực hiện trong 1 thời gian liên tiếp theo kế hoạch đã được A và B sắp xếp từ trước. Hành động cướp giật của A và B có sự liên kết với nhau, không tách ra thành 1 tội độc lập được

 

Cũng tương tự như vậy đối với tình tiết hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm thì hành động hung hãn theo qui định của Bộ luật hình sự 2015 được hiểu là hành vi dữ tợn, phá phách, đánh chết người để tẩu thoát và hành động này là hành vi cản trở hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, làm cho tội phạm mà bị cáo thực hiện khó bị phát hiện hoặc có nguy cơ khó phát hiện còn trong trường hợp này hành vi của A là ngăn chặn 2 vợ chồng để cho B tẩu thoát và chưa phải là hành động cản trở hoạt động tư pháp nên chưa thể coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được.

 

Hơn nữa cần lưu ý rằng các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.( khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sư 2015).

 

Trân trọng.

Luật sư tư vấn trực tuyến – Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo