Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại K 1 điều 46 Bộ luật hình sự

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) là những tình tiết thể hiện sự nguy hiểm của hành vi phạm tội ở những mức độ khác nhau được xem xét dựa trên các yếu tố khách quan, chủ quan hoặc các đặc điểm nhân thân người phạm tội. Tất cả các tình tiết này đều thuộc về các căn cứ để quyết định hình phạt.

 

tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-theo-dieu-46-jpg-21052014092847-U1.jpg

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại K 1 điều 46 Bộ luật hình sự

 

Việc Bộ luật Hình sự (BLHS) đã cụ thể hoá các tình tiết này tại Điều 46 và Điều 48 là nhằm mục đích hướng dẫn cho các Tòa án khi xem xét, cân nhắc mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như cân nhắc đặc điểm nhân thân người phạm tội, tránh sự tùy tiện và thiếu thống nhất trong khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự vào việc xét xử các vụ án cụ thể. Trong phạm vi một khung hình phạt nhất định, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là cơ sở cho việc cá thể hoá hình phạt một cách chính xác; thể hiện tính nghiêm minh, nhân đạo của Nhà nước ta.

 

Vận dụng không đúng đắn các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS sẽ dẫn đến hậu quả là xử phạt bị cáo hoặc là quá nhẹ hoặc là quá nặng, không tương xứng với hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng và nhân thân người phạm tội. Việc áp dụng chính xác các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự giúp cho việc đánh giá tính chất vụ án, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi và người phạm tội được chính xác, trên cơ sở đó mới có thể quyết định loại và mức hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật. Đồng thời việc vận dụng đúng đắn các tình tiết này đảm bảo cho việc thống nhất cách vận dụng chính sách hình sự của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

 

Để cho việc vận dụng những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được đúng đắn, cần phải hiểu và nắm vững được đầy đủ nội dung, ý nghĩa pháp lý của từng tình tiết cụ thể được quy định tại Điều 46 và Điều 48 BLHS và đồng thời phải chú ý đến các nguyên tắc sau:

 

1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 và khoản 2 Điều 48 BLHS thì: Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự;

 

2. Dựa trên cơ sở nguyên tắc pháp chế Xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, Luật quy định: khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi trong bản án (khoản 2 Điều 46). Ngược lại, ngoài các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS, Toà án không được coi các tình tiết khác là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;

 

3. Việc xác định sự ảnh hưởng của từng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là rất quan trọng trong việc quyết định loại và mức hình phạt đối với người phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa pháp lý, xã hội, chính trị không đồng đều nhau. Có tình tiết thì ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định hình phạt và đối với mọi trường hợp phạm tội, nhưng có tình tiết thì ảnh hưởng ít hơn. Có tình tiết chỉ có ý nghĩa đáng kể với một số tội phạm, còn đối với những tội phạm khác thì chỉ có ý nghĩa rất hạn chế;

 

4. Có thể trong một vụ án có nhiều tình tiết, có thể vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cho nên, những tình tiết này không những cần đánh giá riêng lẻ mà còn phải được đánh giá tổng hợp trong mối liên hệ biện chứng và ảnh hưởng qua lại với nhau trong toàn bộ vụ án;

 

5. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ cho phép giảm nhẹ hoặc tăng nặng trong giới hạn của khung hình phạt nhất định. Dù có nhiều tình tiết tăng nặng, Toà án cũng không được quyết định cho người phạm tội một hình phạt cao hơn mức tối đa đã được quy định trong khung hình phạt đó. Nhưng Toà án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định cho tội phạm hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ (Điều 47).

 

Khi một tình tiết giảm nhẹ đã quy định cụ thể trong khoản 1 Điều 46 BLHS , tình tiết đó chưa được giải thích hướng dẫn áp dụng cụ thể đối với từng tội phạm cụ thể thì các Toà án có quyền xem xét và đánh giá các tình tiết đó để giảm nhẹ cho bị cáo theo hướng có lợi cho bị cáo, đây là quyền hạn của Hội đồng xét xử (HĐXX) mà luật đã quy định. Trường hợp này, chúng ta không nên hạn chế quyền suy đoán có lợi cho bị cáo của HĐXX để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho họ. Chẳng hạn hiện nay, tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS chưa có văn bản hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền nêu cụ thể: thiệt hại như thế nào được coi là không lớn, nếu thiệt hại về sức khoẻ mấy phần trăm thì được coi là không lớn? hoặc nếu thiệt hại về tài sản thì có giá trị bao nhiều tiền được coi là thiệt hại không lớn?… mà tùy thuộc vào sự xem xét đánh giá của HĐXX tùy theo từng tội phạm cụ thể. Ví dụ: tài sản bị chiếm đoạt chỉ là 200.000đ nhưng ở tội phạm này thì HĐXX cho hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn nhưng ở tội phạm khác thì HĐXX có thể không cho người phạm tội được hưởng tình tiết này tùy theo mức độ hậu quả mà tội phạm gây ra (hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp).

 

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm giảm mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội theo hướng nhẹ đi trong phạm vi một khung hình phạt nhất định.

 

Điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn. Đây là những trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả tác hại cho xã hội hoặc tuy hậu quả tác hại đã xảy ra nhưng không lớn vì được hạn chế do những nguyên nhân có thể xuất phát từ trong hoặc ngoài ý muốn của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ thực hiện.

 

Có ý kiến cho rằng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” chỉ xảy ra do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Chúng tôi không đồng ý với ý kiến này, vì có thể người phạm tội chỉ gây ra hậu quả do tội phạm mà họ thực hiện theo ý định của họ từ trước. Ví dụ, họ chỉ có ý định cướp 2.500đ để đi xe bus về nhà, mặc dù họ có điều kiện chiếm đoạt hàng chục triệu đồng, hoặc hành vi khách quan của họ có thể nguy hiểm về hình thức (vì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có ý định từ trước là chỉ dọa bị hại thôi – trường hợp này đã xảy ra trong thực tiễn xét xử) chứ bản thân họ không có ý định thực hiện để gây nguy hại cho bị hại cho nên hậu quả của tội phạm không thể xảy ra. Ví dụ, một nhóm thanh niên cầm vũ khí chặn đường để cướp, nhưng khi bị nạn nhân chống trả thì họ không sử dụng vũ khí nguy hiểm để gây nguy hại cho nạn nhân, cho dù họ có điều kiện thực hiện mà vứt dao bỏ chạy và việc không muốn gây nguy hại cho bị hại này đã có sự thống nhất từ trước trong đám thanh niên đó.

 

Khi quyết định hình phạt, Toà án phải cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm cho những trường hợp phạm tội cụ thể của một tội phạm khác nhau về mức độ nguy hiểm. Những tình tiết này có ý nghĩa về mặt lượng hình phạt để tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt trong một khung hình phạt nhất định, chứ không có tính chất bắt buộc như tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, khi xét xử Toà án phải xác định tội danh và khung hình phạt trước, sau đó mới đến các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, đã có sự nhận thức rằng “người bị xử phạt theo khoản 1 Điều 133 BLHS về tội “Cướp tài sản” không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS. Điều này đã gây bất lợi cho bị cáo, dẫn đến việc cá thể hoá hình phạt thiếu công minh và thiếu căn cứ pháp luật. Sau đây chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này:

 

Ví dụ thứ nhất: Hai sinh viên đang chơi trong công viên, vì đang đói bụng nên họ nảy sinh ý định chiếm đoạt bánh mỳ của một người bán bánh mỳ để ăn, thế là họ chặn người bán bánh mỳ lại và nói “đưa đây hai ổ bánh mỳ, nếu không chúng tôi sẽ đánh ông” nghe thế người bán bánh mỳ sợ quá nên đưa cho hai sinh viên hai ổ bánh mỳ. Trong ý thức, họ chỉ dọa thôi, nếu người bán bánh mỳ không chịu đưa bánh mỳ thì bản thân họ cũng không có ý định dùng vũ lực để lấy cho bằng được ổ bánh mỳ để ăn, họ chỉ là những người suy nghĩ còn bồng bột và nhất thời phạm tội.

 

Ví dụ thứ hai: Một nhóm thanh niên đang ngồi uống rượu, vì hết tiền mua thuốc nên họ bàn nhau ra chặn đường xin đểu tiền mua thuốc. Họ chặn một người phụ nữ lại (chị M) và nói “cho tụi này 10.000đ để mua thuốc hút, nếu không chị không bao giờ được về đến nhà (đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc)”; nghe vậy, chị ta liền lấy mười ngàn đồng đưa cho nhóm thanh niên trên.

 

Hai trường hợp này đều phạm tội “cướp tài sản” quy định tại Điều 133 BLHS. Đây thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật nước ta, kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự những tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội mặc dù hậu quả của tội phạm đó ở mức độ nào.

 

Nhưng khi lượng hình phạt, chúng ta đều có xem xét đến tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả của tội phạm xảy ra, như thế mới thể hiện được sự công minh, tính chất nhân đạo và khoan hồng của Nhà nuớc ta đối với từng tội phạm cụ thể. Và Nhà nước ta khi nào cũng tạo ra một khoảng cách nhất định trong từng khung hình phạt của các tội phạm cụ thể (ví dụ từ 6 tháng đến 3 năm, 2 đến 7 năm, 3 đến 10 năm, 5 đến 15 năm…), để khi lượng hình phạt các Toà án áp dụng loại và mức hình phạt một cách công minh và có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Vì vậy, các trường hợp trên (của hai ví dụ đã nêu) trong thực tiễn xét xử có một số toà án coi đó là “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” mặc dù tội phạm đó là tội phạm nghiêm trọng, vì khoản 1 Điều 133 BLHS có khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù (khoản 3 Điều 8 BLHS quy định tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù. Điều luật chưa quy định nếu tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 10 năm tù thì thuộc loại gì? đây là một lỗ hổng của BLHS, nhưng vì để làm lợi cho bị cáo thì chúng ta phải coi đó là tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng chứ không phải rất nghiêm trọng vì mức hình phạt cao nhất chưa đến 15 năm tù mà chỉ dừng lại ở 10 năm tù mà thôi), các Toà án khác thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “gây thiệt hại không lớn”; Nhưng khi đem so sánh hai tình tiết trên, nếu áp dụng tình tiết “gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS thì bị cáo sẽ có lợi hơn vì nếu áp dụng tình tiết quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng) thì phải có kèm theo “phạm tội lần đầu”, nếu gặp bị cáo không phải phạm tội lần đầu thì họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” mặc dù họ thực hiện tội phạm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (ví dụ, thực hiện tội phạm một cách đơn giản; chỉ là thành phần a dua, a tòng hoặc mặc dù tính nguy hiểm của tội phạm thì cao nhưng tính nguy hiểm của hành vi phạm tội thì ở mức độ thấp).

 

Nếu cứ cho rằng, tội cướp tài sản là một tội phạm nguy hiểm, khung hình phạt thấp nhất đã là 3 đến 10 năm tù, và dù chưa cướp được đồng tiền nào, chưa gây thiệt hại cho các khách thể khác (tính mạng, sức khoẻ…) thì cũng không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS được. Theo chúng tôi, như vậy là chưa chính xác và chắc chắn khi lượng hình phạt không thể đảm bảo tính công minh và có căn cứ được. Nếu trong vụ án này, hai sinh viên đó đã đánh ngã người bán bánh mỳ, trói tay, nhét khăn vào miệng… thì cho dù có hai ổ bánh mỳ thôi, cho dù người bán bánh mỳ bị thiệt hại về sức khoẻ không đáng kể, mặc dù HĐXX có áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS đi chăng nữa thì tính chất mức độ của hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng lớn hơn nhiều so với trường hợp đầu. Hoặc ở vụ án thứ hai, nếu nhóm thanh niên đó đánh chị M làm chị M ngất đi, rồi lục soát trong người chị M mà chỉ có 10.000đ thôi (có bao nhiêu lấy bấy nhiêu) cho dù chị M có bị thiệt hại 10.000đ và sức khoẻ, tính mạng chị M không bị ảnh hưởng gì nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho hành vi trong trường hợp này lớn hơn nhiều so với trường hợp đầu.

 

Theo chúng tôi, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn nó liên quan đến hậu quả của tội phạm, khách thể mà tội phạm xâm hại, chứ không liên quan đến tội phạm cấu thành hình thức hay cấu thành vật chất hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng… hoặc chỉ đơn thuần là thiệt hại về mặt tài sản. Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn đó chính là những thiệt hại do tội phạm gây ra, có thể là tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc phi tài sản, tuỳ theo từng tội phạm quy định tại từng điều luật cụ thể trong BLHS cũng như sự xem xét, đánh giá của HĐXX để cho rằng phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn. Luật không quy định đối với tội cướp tài sản thì không được áp dụng điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS, mà đó chỉ là sự suy đoán của chúng ta, chưa có văn bản pháp luật nào quy định như vậy cả, mà khi luật đã chưa quy định cụ thể thì chúng ta phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo. Đó là một nguyên tắc quan trọng khi áp dụng pháp luật.

 

Ví dụ thứ ba: Nguyễn Văn A chặn đường anh B lại để trấn lột 5.000đ, A dọa nếu không đưa thì A sẽ đánh cục gạch vào đầu B (trên tay A đang cầm cục gạch). B trả lời là mình không có tiền và móc tất cả các túi ra cho A thấy là mình không có tiền, A thấy vậy nên cho B đi. Sau đó B đi báo công an và bắt A về tội cướp tài sản. Vụ án này rõ ràng là thiệt hại chưa xảy ra, vì B chưa mất gì cả và cũng không bị xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng… Vụ án này nếu cho rằng vì tội cướp là tội cấu thành hình thức, cho dù cướp “không đồng” cũng cấu thành tội phạm nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” thì không chính xác, vi phạm nguyên tắc áp dụng pháp luật (một tình tiết nhưng được xem xét hai lần theo hướng không có lợi cho bị cáo – vừa xem xét để định tội vừa xem xét để không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ). Vì luật hình sự quy định tội cướp là tội cấu thành hình thức nên A mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản; còn rõ ràng là A phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại thì tại sao chúng ta không áp dụng tình tiết này để giảm nhẹ hình phạt cho A?.

 

Ví dụ thứ tư: H thấy K đội một chiếc mũ rất đẹp (trị giá 25.000đ), H chặn đường K lại và bảo “mày cho tao mượn chiếc mũ” – H xin đểu), K không cho nên bị H tát một cái nhưng tỏ ra rất dữ tợn để dọa K, sau đó chiếm đoạt chiếc mũ của K. Trường hợp này H đã phạm tội “cướp tài sản”, tuy tài sản bị chiếm đoạt chỉ là một chiếc mũ trị giá 25.000đ (cấu thành hình thức). Rõ ràng là H phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn (25.000đ); tại sao chúng ta lại không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ mà luật đã quy định cụ thể (tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS) để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo? nếu trường hợp này có văn bản pháp luật quy định là không được áp dụng đối với một số tội cụ thể trong đó có tội cướp thì chúng ta mới không được áp dụng, trong trường hợp này chưa có văn bản nào quy định là không được áp dụng tình tiết trên đối với tội cướp. Khi nghiên cứu Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 cũng không thấy có quy định này.

 

Tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS được áp dụng cho rất nhiều loại tội phạm, miễn sao thỏa mãn được điều kiện là phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn xét từ góc độ hậu quả mà tội phạm gây ra.

 

Ví dụ thứ năm: A có ý định giết B nên bỏ thuốc độc vào cốc nước mời B uống, khi B mới ngậm vào miệng thấy mùi vị khác lạ nên kịp thời nhổ ra và xử lý trong miệng kịp thời, thiệt hại hoàn toàn không xảy ra. Trường hợp này A đã phạm tội “giết người” nhưng được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” mặc dù nó nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội; Hoặc K thực hiện hành vi hiếp dâm chị T, khi K mới vật chị T ngã xuống, giật hai cúc áo của chị T ra thì bị một người khác phát hiện và ngăn chặn. Trường hợp này K đã phạm tội “hiếp dâm” mặc dù phạm tội chưa đạt, nhưng được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” vì K chưa thực hiện được hành vi giao cấu với chị T, chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ của chị T.

 

Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS mà khi áp dụng vào thực tiễn đã gặp một số vướng mắc nhất định.

 

Tác giả: ThS. Lê Văn Luật – TAND Tỉnh Quảng Trị

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo