Hoàng Thị Kim Lý

Thời hạn tạm giam với tội cưỡng đoạt tài sản

Anh trai tôi đang bị CA tỉnh tạm giam vì bị tình nghi vụ cưỡng đoạt tài sản từ tháng 1/2015 đến nay. Trong suốt thời gian tạm giam ( 10 tháng tính đến nay 06/11/2015 ) CA tỉnh vẫn chưa tìm được chứng cứ gì buộc tội anh trai tôi cưỡng đoạt tài sản. Vậy tôi xin được hỏi công ty luật TNHH Minh Gia là thời hạn tạm giam trong trường hợp này là bao nhiêu lâu. Và nếu đã quá thời hạn tạm giam gia đình tôi phải làm gì? Mong công ty luật TNHH Minh Gia giải đáp cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thời gian tạm giam phụ thuộc vào tính chất mà tội phạm thực hiện ở mức độ: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009: “3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Tội cưỡng đoạt tài sản có các khung hình phạt theo điều 135 Bộ luật hình sự như sau:

1. Người nào  đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thời hạn tạm giam được quy định cụ thể tại Điều 120 Bộ luật tố tụng hình 2003 như sau:

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như­ sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Như vậy, với tội chiếm đoạt tài sản thì ở khung thứ nhất là tội phạm nghiêm trọng, khung thứ hai là tội phạm rất nghiêm trọng và khung thứ ba là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do chưa biết rõ anh bạn sẽ bị truy tố với khung hình phạt nào nên chưa thể khẳng định rõ thời gian tạm giam. Nhưng có thể tạm tính như sau:

+ Với khung 1: thời hạn tạm giam là không quá 03 tháng, được gia hạn hai lần. Lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng Tổng có thể bị tạm giam không quá 06 tháng.

+ Với khung 2: thời hạn tạm giam là quá 04 tháng, được gia hạn hai lần. Lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng. Tổng có thể bị tạm giam không quá 09 tháng.

+ Với khung 3: thời hạn tạm giam là quá 04 tháng, được gia hạn ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Tổng có thể bị tạm giam không quá 16 tháng.

Như vậy, theo thông tin bạn đưa ra, anh trai bạn đã bị tạm giam 10 tháng. Như vậy, có thể là anh bạn đang bị tạm giam vì thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Khi hết thời hạn tạm giam thì buộc phải thả người. Nếu không thả người bạn có thể làm đơn gửi lên cơ quan giam giữ người yêu cầu họ trả lời bằng văn bản lý do không thả người. Sau đó, bạn căn cứ vào công văn trả lời, xem lý do có hợp lý, có căn cứ pháp lý hay không. Nếu không bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan cấp cao hơn của cơ quan tạm giam người.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thời hạn tạm giam với tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Thùy Dương - Công ty Luât MInh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo