Hoàng Tuấn Anh

Thời hạn điều tra đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Cậu tôi quen biết một người hàng xóm gần nhà, người hàng xóm đó bị công an bắt về tội mua giới mại dâm, nên đã nhờ cậu tôi chạy án dùm, nhưng cậu tôi không làm việc trong nhà nước mà có quen 1 cò mồi chuyên chạy án, nên đã giới thiệu cho người hàng xóm biết để chạy án

Người đứng ra nhận tiền của người hàng xóm là cậu tôi, với số tiền là 200 triệu đồng để chạy án, sau khi sự việc đã xong thì người hàng xóm đi thưa cậu tôi, trong lúc nhận tiền của người hàng xóm thì cậu tôi có viết giấy biên nhận có nhận 100 triệu đồng của người hàng xóm, nhưng khi công an huyện mời làm việc, cậu tôi lại thừa nhận là có giới thiệu cho người cò mồi, nhưng thực chất cậu tôi không có lấy số tiền của người hàng xóm sử dụng mà đã đưa toàn bộ cho ông cò mồi. Trong quá trình làm việc thì công an huyện không chứng minh được ông cò mồi phạm tội, nên đã khởi tố cậu tôi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quyết định khởi tố của VKS là ngày 8/6/2018 đến nay cậu tôi vẫn còn đang tại ngoại.
            Xin hỏi luật sư:
- Trường hợp của cậu tôi là phạm tôi thuộc trường hợp nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng.
- Chỉ có lời khai của bị hại và cậu tôi thì có đủ căn cứ để xử lý cậu tội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không.
- Thời hạn gia hạn điều tra của vụ án này là bao lâu. Khi nào thì hết thời hạn điều tra và kết thúc vụ án.
- Mức án mà cậu tôi nhận là bao nhiêu năm.
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

…”

 

Như vậy, trong trường hợp này số tiền cậu bạn chiếm đoạt của người khác là 100.000.000 đồng do đó cậu bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 ĐIều 174 với mức phạt từ 02 năm đến 07 năm. Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự thì đây được xác định là tội phạm nghiêm trọng.

 

Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ như sau:

 

“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

 

a) Vật chứng;

 

b) Lời khai, lời trình bày;

 

c) Dữ liệu điện tử;

 

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

 

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

 

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

 

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

 

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.”

 

Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về lời khai của bị can, bị cáo như sau:

 

“1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.

 

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

 

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.”

 

Từ những căn cứ trên có thể nhận thấy rằng lời khai của bị can, bị cáo chỉ có thể là chứng cứ kết tội nếu như nó phù hợp với các chứng cứ khác, như vậy nếu qua điều tra mà các lời khai của cậu bạn phù hợp với lời khai của người bị hại và cậu bạn có nhận tiền của người bị hại thì cũng có thể đây cũng là căn cứ xử lí về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Về thời hạn điều tra, Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn điều tra như sau:

 

“1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

 

2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

 

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

 

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì thời hạn điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng là 03 tháng và được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo