Luật sư Đào Quang Vinh

Tai nạn giao thông và những vấn đề liên quan cần giải quyết

Ngày 24/12/2015 âm lịch, em trai em do vượt xe tải cùng chiều, gần hết xe tải thì gặp xe khách chạy ngược chiều. Do xe khách chạy quá nhanh em trai em lách sang bên kia đường không kip nên bị hắt lên xe khách và bị kéo lê hơn hai mươi mét. trường hợp này thì em trai em cũng sai do vượt xe mà không nhìn đường và tốc độ vượt xe đương nhiên là cũng cao

Nhưng khi va chạm xe khách không dừng lại liền mà kéo em trai em đi hơn hai mươi mét cả người và xe nên bị tử vong ngay tại chỗ. Vì tốc độ của xe khách ngày tết rất cao. Nhưng xe khách đã chạy quá tốc độ cho phép trong khu dân cư. vậy luật sư cho em hỏi :

Trong trường hợp này thì gia đình em được bồi thường như thế nào?

Khi xảy ra tai nạn công an giao thông có xuống nhưng không vẽ hiện trường
Người nhà em đã quay lại toàn bộ hiện trường ,vậy công an giao thông có bị sai không?

Vậy gia đình em khởi kiện ra tòa thì phần trăm thắng kiện là được như thế nào ?vì đến thời điểm này bên gây tai nạn chưa xuống thương lượng.
 
Trả Lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công Ty luật Minh Gia, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, là bạn hỏi, gia đình bạn được bồi thường như thế nào?

Tại điều 202 BLHS quy định Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ  như sau:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”…

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Như vậy, trong trường hợp nói trên, nếu qua các hoạt động điều tra của cơ quan công an xác định người có lỗi gây ra tai nạn là người điều khiển xe khách đi với tốc độ cao có lỗi gây ra vụ tai nạn nói trên thì người điều khiển xe khách sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nói trên, với mức phạt tù tương ứng với khung hình phạt mà lái xe khách bị đưa ra xét xử.

Bên cạnh đó, chủ xe khách còn đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 604 của Bộ luật Dân sự thì
 
Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
 
Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

1.Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
....
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
 
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Căn cứ vào các quy định trên có thể thấy, nếu qua quá trình điều tra xác định được lỗi là do xe khách chạy với tốc độ cao làm chết người là em trai bạn thì chủ xe khách sẽ bị phạt tù và phạt tiền. Mức phạt tù do TA quyết định, còn mức bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận và thương lượng, nếu mức bồi thường không phù hợp với thực tế của cả người bị thiệt hại và người gây thiệt hại có thể nhờ TA thay đổi mức bồi thường. Còn nếu như xác định được lỗi chỉ từ phía e trai bạn hoặc lỗi có cả của người gây hại và người bị hại thì chủ sẽ khách sẽ được miễn TNHS nhưng vẫn phải bồi thường như trên tôi đã nói
.
Thứ hai  bạn hỏi, công an giao thông khi xảy ra tai nạn không vẽ hiện trường có sai không?

 Tại Điều 38 quy định về Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau:
“…
4.Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn…”

Căn cứ quy định tại Điều 3 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA về việc nhận tin và xử lý thông tin tai  nạn thì:

" 1. Nhận tin:
 
Khi nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải hỏi rõ và ghi vào sổ nhận tin các thông tin sau:

a) Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;

b) Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, tại km, đường, thuộc thôn (phố), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương);

2. Xử lý tin:
Cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải báo cáo ngay vụ tai nạn giao thông đường bộ cho lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị biết. Lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị khi nhận được báo cáo phải xử lý như sau:

a) Tổ chức lực lượng cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông:

b) Khi nhận được báo cáo hoặc khi Cảnh sát giao thông xác định:

- Vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì phải báo ngay cho đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý điều tra theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA (C11) ngày 20/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an (dưới đây gọi tắt là Quy định 768/2006/QĐ-BCA (C11);

d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan đến hiện trường để phối hợp giải quyết hậu quả vụ tai nạn."
 
Cụ thể, những việc mà CSGT phải làm ngay khi đến hiện trường được quy định tại Điều 4 Quyết định trên như sau:

Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác khi đến nơi xảy ra tai nạn giao thông cần làm ngay những việc sau:

1. Tổ chức cấp cứu người bị nạn:

a) Đánh dấu vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu

Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện;

b) Đánh dấu vị trí người bị nạn đã chết và che đậy nạn nhân;

Trường hợp người bị nạn đã chết có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự đi lại, thì đánh dấu vị trí người bị nạn rồi đưa vào lề đường che đậy lại.

2. Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản.

3. Tổ chức bảo vệ hiện trường:

a) Khoanh vùng bảo vệ hiện trường, có biện pháp bảo quản tài sản, tư trang của người bị nạn, hàng hóa trên phương tiện liên quan đến tai nạn (khi bảo vệ hiện trường chú ý không làm xáo trộn hiện trường);

b) Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, đồ vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi ở hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;

6. Khi bộ phận khám nghiệm đến hiện trường, thì bàn giao lại những công việc đã làm ở hiện trường cho bộ phận khám nghiệm, đồng thời tiếp tục bảo vệ hiện trường và thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 hoặc điểm a, b khoản 3 Điều 7 Quy định 768/2006/QĐ-BCA(C11) cho đến khi khám nghiệm xong."

Như vậy. Theo quy định này thì cơ quan CSGT sẽ phải tiến hành đánh dấu vị trí người bị nạn, sau đó che đậy người bị nạn đã chết, sau khi bộ phận khám nghiệm hiện trường tới thì bàn giao lại cho họ. Trường hợp trên của bạn, cơ quan CSGT đã không đo đạc hiện trường là sai hoàn toàn.

Thứ ba, là việc bạn hỏi  gia đình bạn khởi kiện ra tòa thì phần trăm thắng kiện là được như thế nào? vì đến thời điểm này bên gây tai nạn chưa xuống thương lượng?

Về vụ tai nạn giao thông của em bạn, trong Luật giao thông đường Điều 14 quy định về “Xin vượt” như sau:

“1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
 
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
 
3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.”

Tại Điều 38 cũng quy định về trách nhiệm của người lái xe khi có tai nạn xảy ra đó là : “ Dừng ngay xe và giữ nguyên hiện trường…”

Căn cứ vào các quy định trên, trong vụ tai nạn vì bạn cũng không nói trước khi vượt em trai bạn đã quan sát kĩ không có chướng ngại vật phía trước đủ an toàn rồi mới vượt hay không? Hơn nữa em trai bạn xin vượt xe mà còn đi tốc độ cao đó là điểm sai của em trai bạn. Còn về phần phía xe khách cũng đã chạy quá tốc độ, bạn không nêu là chạy với tốc độ bao nhiêu km/h hay còn phải phụ thuộc vào kết quả của CQĐT. Hơn nữa khi xảy ra tai nạn, người lái xe có trách nhiệm dừng ngay xe lại mà đã không dừng còn kéo lê người bị nạn và phương tiện tới hơn 20 mét, việc làm này của lái xe là sai hoàn toàn. Hơn nữa tới thời điểm hiện tại bên gia đình có người gây thiệt hại vẫn chưa thỏa thuận với gia đình bạn về mức bồ thường thiệt hại cũng là sai. Căn cứ vào những điều tôi đã trả lời bạn ngay từ đầu, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi lại quyền chính đáng cho gia đình và cho em trai bạn người đã mất. Còn tỉ lệ phần trăm bạn thắng bao nhiêu thì phụ thuộc vào việc trong vụ tai nạn xảy ra lỗi không nằm ở em trai bạn hoặc bạn có thể chứng minh được lỗi ở em trai bạn là không nhiều.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tai nạn giao thông và những vấn đề liên quan cần giải quyết. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV - Phan Thị Uyên – Công Ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo