LS Vy Huyền

Rủi ro tiềm ẩn khi mua hàng qua mạng

Luật sư tư vấn miễn phí qua email về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi giao dịch qua mạng Internet và các quy định pháp luật khác liên quan như sau:


Nội dung cần tư vấn:

Kính gửi công ty Luật Minh Gia. Tôi xin nhờ các bạn tư vấn giúp tôi vụ việc như sau:

Tôi có mua hàng trên mạng ch123aaaa...vn là 1 chiếc IP5S giá 7,8 triệu. Qua trao đổi 2 bên tiến hành sẽ gửi qua bưu điện. Tôi tạm ứng trước 3 triệu, nhận máy sẽ thanh toán nốt 4,8 triệu.Ngày hôm sau có người gọi điện xưng là bên chuyển phát nhanh giao hàng cho tôi yêu cầu tôi chuyển nốt 4,8 triệu vào TK trước rồi khi ngân hàng xác nhận họ sẽ chuyển máy cho tôi. Khi tôi chuyển xong gọi cho người gửi thắc mắc sao chưa chuyển máy, họ kêu vợ bảo bán 9,8 triệu cơ. Họ bảo tôi chuyển tiền thêm cho họ. Do đâm lao đành theo lao nên tôi chuyển thêm 1,2 triệu nữa. Nhưng tới chiều thì không ai giao máy cho tôi, tôi gọi điện nhắn tin cho người bán nhưng họ không nghe máy, khi tôi nói tôi sẽ báo công an thì ngày hôm sau họ tắt máy.

Tôi định báo công an nhưng chứng cớ có thì chỉ có những lần chuyển khoản tới số tiền của hắn ta và số điện thoại, cũng như các tin nhắn trên mail và điện thoại thôi.

Mong nhận được sự tư vấn của quý Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:

 

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

 

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy khi bạn mua hàng qua mạng thì giữa bạn và bên bán hàng cũng được coi là đã xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa hợp pháp. Do vậy các quan hệ phát sinh sẽ được pháp luật điều chỉnh.

 

Từ thông tin bạn cung cấp, bạn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng bên kia từ chối giao hàng như thỏa thuận, có hành vi gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Do vậy bạn có thể kiện bên bán về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Như vậy bạn có thể thu thập bằng chứng về giao dịch giữa bạn và bên bán, cùng với những tin nhắn với bên kia để báo công an nơi bạn cư trú để họ tiến hành điều tra và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bạn.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo