Luật sư Phùng Gái

Quyền yêu cầu thay đổi người bào chữa của bị can?

Câu hỏi tư vấn: Em trai của em đang là bị can trong 1 vụ án giết người vào tháng 12/2015. Lúc đầu bên phía tòa án có chỉ định luật sư bào chữa và gia đình có liên hệ để ký hợp đồng bào chữa với luật sư.

 

Nhưng đến thời điểm bây giờ công an điều tra đã kết luận vụ án và chuyển hồ sơ lên viện kiểm sát, gia đình không hài lòng với luật sư và muốn đổi luật sư khác thì có được không ạ. Luật sư mới liệu có đủ thời gian để tìm hiểu vụ án để bào chữa cho bị can hay không. Nhờ văn phòng luật sư hỗ trợ tư vấn giúp. Xin cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về quyền thay đổi người bào chữa. Cụ thể:

 

Điều 57. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa

 

1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

 

2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:

 

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;

 

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

 

Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

 

Đồng thời, điểm c khoản 3 Mục II Nghị quyết số 03/2004/NQQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết quy định trên:

 

c) Trước khi mở phiên tòa, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản trong đó cần ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp họ trực tiếp đến Tòa án yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản ghi rõ lý do của yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa và người có yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được giải quyết như sau:

 

c.1) Trường hợp yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa căn cứ vào khoản 2 và khoản 3 Điều 56 của Bộ luật tố tụng hình sự, hướng dẫn tại mục 1 Phần II của Nghị quyết này để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết trong đó cần nêu rõ căn cứ của việc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người khác bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân khác bào chữa cho thành viên của tồ chức mình.

 

c.2) Trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa, thì vẫn tiến hành triệu tập người bào chữa đã được cử tham gia phiên tòa theo thủ tục chung. Nếu tại phiên tòa họ vẫn tiếp tục có yêu cầu từ chối người bào chữa thì Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo hướng dẫn tại điểm d mục 3 Phần II của Nghị quyết này.

 

d) Tại phiên tòa, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải ghi vào biên bản phiên tòa. Về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được giải quyết như sau:

 

d.1) Trường hợp yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án. Căn cứ vào Khoản 2 và 3 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự hướng dẫn tại mục 1 Phần II của Nghị quyết này để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì thông báo cho người yêu cầu biết và nói rõ căn cứ của việc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì phải hoãn phiên tòa và Thẩm phán dược phân công làm chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người khác bào chữa cho bị cáo hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân khác bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Quyết định của Hội đồng xét xử về chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa

...

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì trong trường hợp gia đình không hài lòng với người bào chữa thì trước khi mở phiên tòa hoặc trong phiên tòa gia đình có quyền yêu cầu thay đổi người bào chữa nhưng sẽ phải làm văn bản thể hiện rõ nội dung, lý do thay đổi sau đó ký tên điểm chỉ và gửi cho Tòa án. Trên cơ sở đó Thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) sẽ xem xét và ra quyết định từ chối hoặc chấp nhận yêu cầu thay đổi của gia đình.

 

Trường hợp thời điểm thay đổi người bào chữa sát với ngày xét xử hoặc vì lý do khách quan nào đó dẫn tới việc không đủ thời gian tìm hiểu vụ việc nhằm phục vụ cho quá trình xét xử thì họ có quyền lựa chọn hướng làm đơn xin hoãn phiên tòa để có thêm thời gian tìm hiểu vụ việc và các căn cứ có lợi cho thân chủ của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền yêu cầu thay đổi người bào chữa của bị can?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo