Nguyễn Ngọc Ánh

Quy định về thời gian tạm giam, căn cứ quyết định hình phạt

Chào anh ạ Em muốn nhờ anh tư vấn giúp em chuyện như sau: ngày 13-10 chồng em có tham gia đánh bạc hình thức xóc đĩa.

 

Nội dung yêu cầu: Có bị công an huyện bắt giữ trên bàn bạc thu được 24,5 triệu gồm có 5 người, công an có gửi giấy tạm giữ người vào ngày 14-10 theo điều 248 bộ luật hình sự. 5 người thì có 2 người được gia đình lo ra tại ngoại. Đến ngày 21-10 công an gửi giấy tạm giam về đến nay là ngày 10-11 gia đình em không được gặp chồng em. Hôm 8-11 em có làm 2 đơn xin bảo lãnh cho chồng em và nộp cho công an. Vậy em muốn hỏi luật sư: vụ án của chồng em như vậy thì lệnh tạm giam có hiệu lực trong bao lâu? Khi ra toà thì mức xử phạt như thế nào ạ?? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra.

 

Điều 248. Tội đánh bạc

 

“ 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

 

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra:

 

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

 

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

 

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

 

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như­ sau:

 

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

 

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

 

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

 

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

 

Với tình tiết bạn trình bày, người chồng cùng 05 người khác thực hiện hành vi đánh bạc dưới hình thức sóc đĩa; tổng sổ tiền thu được của 05 người là 24,5 triệu VNĐ. Vậy, nếu không có tình tiết nào khác thì chồng bạn cùng 05 người kia bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 248; Khoản 3 Điều 8; Điều 120 BLHS thì thời gian tạm giam trong giai đoạn điều tra tối đa không quá 03 tháng. Tuy nhiên, để trả lời yêu cầu: “bao giờ hết lệnh tạm giam” thì bạn cần kiểm tra cụ thể tại quyết định tạm giam do Cơ quan điều tra ra quyết định.

 

Thứ hai, về quyền thăm gặp người thân nhân của bị can, bị cáo.

 

Điều 22 Nghị định 89/1998/ NĐ- CP quy định về quyền thăm, gặp thân nhân của bị can, bị cáo như sau:

 

“...2. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam”.

 

Trong giai đoạn điều tra, việc gặp thân nhân của bị can buộc phải có ý kiến đồng ý của Cơ quan công an. Trường hợp cơ quan này không đồng ý cho gặp thì gia đình sẽ không được tiếp xúc với bị can trong trại tạm giam.

 

Thứ ba, về hình phạt cụ thể đối với hành vi của chồng bạn.

 

Căn cứ khoản 1 Điều 248 BLHS, hình phạt có thể sẽ áp dụng với người chồng gồm: “Phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Những người thực hiện hành vi theo nguyên tắc chỉ phải chịu một trong 03 hình phạt nêu trên; nếu áp dụng hình phạt tù thì thời gian phạt tù không quá 03 năm; và có thể dưới 03 tháng.

 

Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐXX và căn cứ vào Điều 45 BLHS. Để giảm hình phạt xuống mức thấp nhất thì gia đình cần chuẩn bị các giấy tờ làm căn cứ giảm nhẹ TNHS theo quy định tại Điều 46 BLHS gửi cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 45. Căn cứ quyết định hình phạt

 

“Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về thời gian tạm giam, căn cứ quyết định hình phạt. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo