Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nhận tiền để xin nhập học bị xử lý thế nào?

Hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ là những tội phạm thường xảy ra liên quan tới những người có quyền hạn, chức vụ trong một tổ chức nào đó. Vậy tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây!

1. Tội nhận hối lộ và đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự 

    Hành vi đưa và nhận hối lộ được coi là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Đối với hành vi nhận hối lộ, BLHS không phân biệt chủ thể nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức trong hay ngoài Nhà nước mà đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Điều 354 BLHS quy định về tội nhận hối lộ như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. 

    Đối với tội đưa hối lộ, Điều 364 BLHS quy định: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. 

2. Nhận tiền để xin nhập học bị xử lý như thế nào?

Nội dung đề nghị tư vấn: Năm 201x, tôi thi vào một trường khá nổi tiếng. Qua nhiều nguồn thông tin, tôi được biết muốn thi đậu đa số phải chạy tiền cho ông Trưởng khoa đào tạo. Tôi đến nhà gặp ông này thì ông ta hứa có tiền sẽ cho thi đậu. Tôi gửi ông A 30 triệu đồng nhưng kết quả thi rớt và ông ta không trả tiền lại cho tôi và hứa lần sau thi cho đậu. Tôi thi lần hai cũng đưa thêm 30 triệu nhưng lại rớt và ông ta không trả lại tiền, cũng lại hứa lần ba cho đậu. Lần thi thứ ba tôi đến nhà ông ta thì ông ta ra giá thẳng là phải thêm 80 triệu đồng mới cho thi đậu. Tôi năn nỉ giảm thì ông ta giảm 20 triệu đồng, tức là yêu cầu thêm 60 triệu đồng. Tôi đã đưa 60 triệu đồng cho ông ta. Thi vừa xong ông ta điện thoại kêu thêm 10 triệu đồng nữa và tôi đã đưa. Kết quả tôi thi đậu. Quá trình tôi học, ông ta nhiều lần viện đủ lý do ép tôi phải đưa thêm 100 triệu đồng nữa (theo quy định không đóng những số tiền này). Do chi phí nhiều quá, tôi quyết định không học nữa. Tôi có gặp ông ta thương lượng xin trả lại thì ông ta không trả. Tôi gửi đơn tố cáo đến Hiệu trưởng của ông ta. Khi Hiệu trưởng mời tôi và ông ta làm việc thì ông ta có thừa nhận đã nhận tiền của tôi giai đoạn thi đầu vào (có ghi âm lại). Sau đó, ông ta gặp riêng tôi và kêu tôi rút đơn thì ông ta sẽ trả hết tiền cho tôi. Tin lời ông ta, tôi rút Đơn nhưng ông ta không trả tiền. Ông ta đã nhiều lần làm vậy nên tôi nhiều lần gửi Đơn và rút đơn nhưng ông ta hứa rồi lại không trả tiền. Xét thấy ông ta có dấu hiệu lừa dối tôi cho nên tôi đã gửi Đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu ông ta trả toàn bộ tiền, tôi có yêu cầu trả thêm phần lãi suất theo ngân hàng, tổng cộng là gần 400 triệu đồng. Phát hiện sự việc này, ông ta gặp tôi, tự ông ta hứa trả tiền cho tôi và chịu lãi như tôi nêu trong đơn kiện ra tòa tất cả là 400 triệu đồng. Ông ta giới thiệu tôi gặp bạn ông ta là một doanh nhân và ông ta nói người này thay mặt ông ta trả. Tuy nhiên, bạn của ông ta cứ hẹn hết lần này đến lần khác nhưng không trả. Tôi thấy họ lừa tôi nên tôi lại gửi Đơn cho cơ quan ông ta yêu cầu trả tiền. Khi đó bạn của ông ta lại hẹn với ông ta sẽ trả nhưng yêu cầu tôi rút đơn trước. Tôi đồng ý rút đơn thì họ lại không trả và tôi lại gửi đơn cho cơ quan ông ta, nội dung tôi vẫn trình bày đề nghị ông ta trả tiền gốc và lãi gần 400 triệu đồng. Thực tế mỗi lần ông ta và bạn ông ta hứa trả tiền đều là tự nguyện, tôi không đe dọa hay ép buộc gì, khi gửi đơn tôi cũng không dọa gì, nhưng ông ta không thực hiện lời hứa tôi mới gửi đơn lại. Sau khi tôi gửi đơn lại lần thứ hai thì ông ta nói với tôi nếu không rút Đơn thì tôi sẽ bị xử hình sự tội cưỡng đoạt tài sản. Tôi không am hiểu pháp luật, kính xin Luật sư cho biết tôi có tội cưỡng đoạt tài sản không? Thật sự tôi không đe dọa gì ông ta. Việc hứa trả tiền để tôi rút Đơn là tự ông ta yêu cầu, tôi không nói gì, chỉ khi ông ta không thực hiện thì tôi gửi lại, cũng không đe dọa gì. Về phía ông ta có tội không?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

    Căn cứ theo các thông tin bạn cung cấp, có thể nhận định được hành vi của ông A đã phạm vào tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. 

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

…”

    Trong trường hợp này, ông A là trưởng phòng đào tạo (là người có chức vụ) được giao nhiệm vụ tuyển sinh trong đơn vị đang công tác (thực hiện công vụ) nên theo quy định ông A là đối tượng có thể bị khởi tố với hành vi nhận hối lộ này. Tuy nhiên, khi bạn yêu cầu khởi tố ông A về hành vi nhận hối lộ thì bạn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS:

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

…”

    Khoản 7 Điều 364 BLHS cũng quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Mặc dù theo quy định khi bạn chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì bạn có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại tài sản nhưng điều đó còn phụ thuộc vào nhận định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên cơ sở để bạn được miễn trách nhiệm hay trả lại tiền là không rõ ràng. Do vậy, trong trường hợp này bạn và ông A nên thỏa thuận về số tiền cũng như phương thức trả tiền với nhau trước khi đến nhờ sự can thiệp của pháp luật.

    Về tội cưỡng đoạt tài sản, Điều 170 BLHS quy định:

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

    Theo đó, hành vi đe dọa dùng vũ lực có thể hiểu là dùng lời nói hoặc hành động làm cho người bị đe dọa sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác. Còn thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản… Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác với mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản thì mới phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo như bạn trình bày thì việc bạn đòi tiền từ phía ông A là do ông A đã cầm tiền của bạn để hứa cho bạn thi đỗ vào trường mà ông A làm Trưởng phòng đào tạo. Bạn không hề có hành vi ép buộc nào đối với ông A, việc hứa trả tiền của ông A là tự nguyện nên sẽ không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp này.

    Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo