Vũ Thanh Thủy

Quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán hóa đơn?

Luật sư tư vấn về những quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán hóa đơn. Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi:

T12/ 2014, T1/2015, qua một người trung gian, tôi có mua 8 hóa đơn GTGT tổng giá trị là 116 triệu đồng ( trong đó 19tr là mua cho công ty A,và  96tr là mua cho công ty B). Do không hiểu biết nên tôi không kiểm soát kĩ. Trong ngành nghề kinh doanh của công ty bán hoá đơn ấy có các lĩnh vực tôi cần. Nhưng thực tế thì Công ty họ thành lập ra lại không có hàng hoá dịch vụ bán thật, trụ sở công ty không rõ ràng...mà chỉ là trên giấy phép kinh doanh có thôi ạ. Nay người bán hóa đơn giả bị bắt, tôi bị mời lên công an để lấy lời khai. Tôi có thể sẽ bị xử lý như thế nào. Tôi chưa từng có án tích gì. Nếu bị đóng phạt thì đóng bao nhiêu, hoàn thành nộp phạt tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không. Tôi đang rất lo lắng. Mong được các luật sư tư vấn sớm nhất. Cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

Theo quy định tại Điều 164, Bộ Luật Hình Sự 2009 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

 a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hoá đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

đ) Thu lợi bất chính lớn;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

 Trong trường hợp của bạn, bạn chưa có án tích tức là không thuộc trường hợp đã từng bị kết án về tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tuy nhiên, hành vi của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nếu như bạn có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

Cụ thể, theo quy định của Điều 2, Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC về hướng dẫn ấp dụng một số điều trong Bộ Luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán có quy định như sau:

 “1.Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hoá đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, …và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;

b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

2. Chủ thể phạm tội này bao gồm:

a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

 b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;

c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.

3. Các hành vi qui định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:

c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:

c.1) Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định;

c.2) Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;  

c.3) Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;

 c.4) Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.

4. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:

a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

5. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.

6. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên”.

Căn cứ vào những quy định nêu trên cùng với thông tin bạn cung cấp về việc bạn đã mua 8 hóa đơn GTGT tổng giá trị là 116 triệu đồng (trong đó 19tr là mua cho công ty A,và  96tr là mua cho công ty B) thì hành vi của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định và mức hình phạt nêu tại Điều 164a Bộ luật hình sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán hóa đơn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

P. Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo