Luật sư Đào Quang Vinh

Phạm cùng một tội trộm cắp tài sản ở hai tỉnh khác nhau rồi bỏ trốn

Xin chào luật sư,tôi có câu hỏi mong luật sư giúp đỡ. Chồng tôi bị bắt vì tội trộm cắp tài sản,trong quá trình chồng tôi bị bắt thì công an không lập biên bản thu giữ tài sản của chồng tôi.

 

Sau khi ra toà thì tòa cũng không nói những tài sản chồng tôi bị thu giữ trước đó. Và lại gia đình tôi cũng không được thông báo về ngày ra toà của chồng tôi. Trong quá trình giam giữ thì chồng tôi không may đập đầu vào cửa sổ và được đi cấp cứu,thì chồng tôi lại được bệnh viện thông báo bị lao. Chồng tôi được đi chữa trị nhưng trong quá trình chữa trị ở bênh viện thì chồng tôi trốn khỏi đó trong sự giám sát của công an trại. Chồng tôi trốn được gần 1 tuần thì bị bắt lại. Vậy tôi muốn hỏi : 1. chồng tôi có được đi chữa bệnh tiếp hay không và chữa ở trại giam hay ở bệnh viện. 2. Chồng tôi trốn trại như thế mức án của tội trốn trại thế nào. 3. Gia đình nhà tôi phải làm thế nào để lấy lại tài sản chồng tôi bị thu giữ trước đó mà công an không lập biên bản thu giữ. 4. Chồng tôi còn 1 bản án thứ 2 chưa xử vì tội trộm cắp ở tỉnh khác, vậy tôi hỏi chồng tôi trốn thế này thì bao giờ bản án xử thứ 2 mới được xử. 5. Gia đình nhà tôi khá là hoàn cảnh nên chồng tôi mới làm nên tội đó, gia đình tôi muốn xin giảm án hay xin giảm tội trốn trại không tăng lên được không. Gia đinh tôi cần những giấy tờ gì. Tôi xin cảm ơn.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, chồng bạn có được đi chữa bệnh tiếp hay không và chữa ở trại giam hay ở bệnh viện?

 

Chồng bạn đã bị kết án và hiện tại đang chấp hành hình phạt tù. Tại khoản 2 Điều 48 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định:

 

“Điều 48. Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân

 

2. Phạm nhân bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định.

 

Trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội xây dựng hoặc bố trí một số buồng riêng trong cơ sở chữa bệnh để điều trị cho phạm nhân.”

 

Do đó, chồng bạn sẽ được chữa trị tiếp và việc chữa trị ở đâu sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của chồng bạn và điều kiện vật chất, kĩ thuật tại cơ sở y tế của trại giam.

 

Thứ hai, chồng bạn trốn trại như thế mức án của tội trốn trại thế nào? Tại Điều 386 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

 

Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

 

1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.

 

Do đó, khi chồng bạn trốn khỏi trại thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.

 

Thứ ba, gia đình nhà bạn phải làm thế nào để lấy lại tài sản chồng tôi bị thu giữ trước đó mà công an không lập biên bản thu giữ.

 

Tài sản đó là của chồng bạn mà bị thu giữ thì bạn có thể làm đơn đề nghị cơ quan cồng an giao trả lại tài sản, kèm theo bản thống kê danh sách tài sản của gia đình và những chứng cứ chứng minh tài sản này không phải do chồng bạn phạm tội. Nếu như đang là tài sản cần tạm giữ để phục vụ cho quá trình điều tra thì Cơ quan điều tra chưa thể trả lại cho gia đình bạn nếu như còn cần thiết

 

Thứ tư, chồng bạn còn 1 bản án thứ 2 chưa xử vì tội trộm cắp ở tỉnh khác, vậy chồng bạn trốn thế này thì bao giờ bản án xử thứ 2 mới được xử.

Do chồng bạn đã có nhiều hành vị phạm tội tại các thời điểm khác nhau và mỗi hành vi đó đều thỏa mãn cấu thành tội phạm riêng biệt nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sư về 3 tội danh.

 

Trường hợp này đối với bản án hiện tại thì có quan công an có điều tra riêng về 2 tội danh là trộm cắp tài sản lần 2 và tội quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự. Việc điều tra tội trộm cắp tài sản lần 1 có thể được nhập để cùng điều tra theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

 

Điều 170. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra

 

1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

 

a) Bị can phạm nhiều tội;

 

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

 

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

 

2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

 

3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.

 

Chồng bạn trốn ra nhưng đã bị bắt lại nên việc xét xử sẽ được tiến hành theo quy định của Tòa án nơi sẽ xét xử chồng bạn. Do đó, chồng bạn sẽ phải chờ để được xét xử rồi Tòa án sẽ tiến hành tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Ngoài ra, chồng bạn còn bị xét xử theo tội mới là tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử được quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự đã nêu trên.

 

Thứ năm, gia đình nhà bạn khá là hoàn cảnh nên chồng bạn mới phạm tội, gia đình muốn xin giảm án hay xin giảm tội trốn trại không tăng lên được không. Gia đình cần những giấy tờ gì.

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2015 như sau:

 

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

 

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

 

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

 

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

 

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

 

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

 

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

 

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

 

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

 

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

 

m) Phạm tội do lạc hậu;

 

...”.

 

Gia đình bạn muốn xin giảm án cho chồng mình thì cần làm đơn để gửi lên Tòa án với nội dung thuộc tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều trên như: chưa gây thiệt hại lớn, thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, suy nghĩ lạc hậu,… để tòa án xem xét có được giảm nhẹ không.

 

Mẫu đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bạn có thể tham khảo tại đây: Mẫu đơn xin giảm nhẹ hình phạt

 

Trân trọng!

Cv. Bùi Thảo – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo