Mạc Thu Trang

Tư vấn về việc khấu trừ nợ khi có các bên cùng có khoản nợ vay với nhau

Luật sư tư vấn về vấn đề khấu trừ nợ khi các bên cùng có khoản nợ vay với nhau theo quy định của pháp luật. Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung tư vấn: Luật sư cho tôi hỏi, nội dung thỏa thuận giữa bên bán và bên mua như sau: Năm 2016 gia đình tôi làm nhà có mua sơn, gạch và các phụ kiện về vật liệu xây dựng liên quan. Tổng tiền 68.319.000 đồng (sáu mươi tám triệu ba trăm mười chín nghìn đồng). Ngày 08/8/2016 chị T ứng 30.000.000 đồng đến ngày 03/9/2016 gia đình chị T đến thanh toán và cho nợ lại tiền bảo hành là 25.000.000 tiền Sơn (một nửa) Tôi đã ký giấy nợ trong sổ của chị T là 8 năm trả hết và gia đình chị T cũng đồng ý thống nhất để tôi ghi sổ như vậy. Sau khi làm nhà xong gia đình tôi có mở quán và bán hàng đồ điện. đến tháng 6 năm 2017 gia đình chị T làm nhà đang đi vào hoàn thiện thì lấy hàng nhà tôi, chị T có đến bảo tôi là chị sẽ lấy hàng nhà em, tôi đồng ý và không một ý mảy may nghi ngờ, khi giao hàng vợ chồng tôi đến nhà chị T có anh C chồng chị ở nhà, T đi vắng không có nhà. Vợ chồng tôi nói với anh C là nhà tôi vừa làm nhà mở quán nên chưa có tiền trả anh chị vội nên khi giao hết hàng anh nói với chị cho nhà em được thanh toán và anh C đã đồng ý. Để vợ chồng tôi tin tưởng chị T đặt cọc hàng 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn). Nhưng đến ngày 2/6/2017 do nhiều hàng nên chồng tôi nhờ một người hàng xóm đi cùng để đưa hàng xuống xe, trong khi giao hàng có chị T là người trực tiếp nhận, tổng số hàng giá trị trên 30.000.000 đồng hẹn đến ngày 07/7/2017 gia đình chị T lấy tiền ngân hàng sẽ trả cho gia đình tôi có chữ ký của chị T và người hàng xóm đi cùng làm chứng nếu không trả trong ngày 07/7/2017 thì chị T sẽ phải trả lại 20%/ngày tính từ ngày 07/7/2017. Vì tin người nên tôi đã giao hàng cho gđ chị T đến ngày 07/7/2017 vì gia đình có việc tôi không đến nhà chị T lấy tiền gọi cho chị T chuẩn bị tiền tôi đến lấy rồi đi luôn. Nhưng chị T nhắn tin cho tôi bảo anh C nói "trừ nợ luôn". Vậy, tôi xin hỏi luật sư trường hợp của nhà tôi giờ phải làm thế nào để lấy lại được tiền? Tôi xin luật sư tư vấn giúp, cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì gia đình bạn cũng đang có khoản nợ với chị T, và gia đình chị T cũng có một khoản nợ với gia đình bạn. Tuy nhiên, các khoản nợ này là độc lập, do vậy, nghĩa vụ trả nợ cũng là độc lập (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trừ nợ) theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:

 

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

...”

Đối với khoản nợ mà gia đình bạn nợ chị T thì cần phải xác định thời hạn trả nợ là 8 năm đó có gì để chứng minh hay không, nếu không có gì chứng minh mà chị T chứng minh được là gia đình bạn có nợ thì chị T có quyền yêu cầu gia đình bạn trả nợ bất cứ khi nào theo Điều 469 BLDS 2015:

 

“Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn

 

1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”

 

Đối với khoản nợ mà gia đình chị T nợ gia đình bạn, theo thông tin cung cấp thì gia đình bạn với chị T có ký nhận với nhau về việc xác nhận nợ này và có người làm chứng, theo đó, có chứng cứ rõ ràng để có quyền yêu cầu chị T trả nợ theo thỏa thuận mà các bên đã ký. Trường hợp chị T không trả thì gia đình bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án nơi chị T cư trú để buộc chị T phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu trong quá trình giải quyết yêu cầu của gia đình bạn mà chị T có yêu cầu phản tố (yêu cầu gia đình bạn trả nợ cho chị T đối với khoản nợ mà gia đình bạn đang nợ chị T).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

P.Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo