Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Năng lực trách nhiệm hình sự của người bị bệnh tâm thần

Gia đình tôi có xảy ra mâu thuẫn trong nội tộc, cụ thể như sau: Buổi chiều ngày 04/7/2014, Mẹ tôi ở nhà một mình, vừa ngủ trưa dậy chuẩn bị đi làm, bị chú ruột của tôi - (nhà đối diện) cạy cửa xông vào nhà (cửa chỉ khép, không chốt) tìm bố tôi nhưng không có ở nhà, ông ta đã cầm chốt cửa đánh tới tấp vào đầu mẹ tôi gây chấn thương (sưng đầu và vai)

Mẹ tôi chạy xuống bếp bị hắn ta tiếp tục rượt đuổi, hắn cầm được 01 con dao và 01 chiếc cưa nhỏ để hành hung nhưng mẹ tôi chạy thoát được ra ngoài sân, hắn ném dao và cưa trong bếp đuổi theo và xô ngã mẹ tôi ở ngoài sân nhà. Tiếp đó, mẹ tôi chạy thoát và kêu cứu, chạy được vào một nhà hàng xóm ở đối diện và được hai cha con hàng xóm ngăn cản hắn mới chịu buông tha.
 

Trước sự việc trên ban lãnh đạo của thôn đã lập biên bản sự việc nhưng chú tôi không chịu ký  xác nhận có hành vi xâm phạm, hiện nay biên bản trên do trưởng thôn lưu giữ. Gia đình tôi đã đưa mẹ tôi đi bệnh viện, được xác nhận là chấn thương phần mềm ở đầu và vai. Ngày 07/7/2014 gia đình của chú tôi đưa chú tôi đi khám xét về bệnh tâm thầm (khám trong 1 ngày rồi về) có nói lại là ông ta chớm bị tâm thần. Ngày 09/7/2014, vợ của chú tôi tiếp tục năn nỉ đưa mẹ tôi đi thái nguyên chụp cắt lớp phần sọ não. Tại đây có sự sắp xếp, đưa đón của anh trai ruột của bà ta, có những hành vi khả nghi, gian lận. Đến khi có kết quả chụp chiếu, ra về bà ta luôn giữ tấm phim chụp, đến nhà bà ta quyết giữ phim, bệnh án và đưa cho chồng, hiện nay không rõ là mang đi đâu. (Bổ sung: Trong suốt thời gian diễn ra sự việc, hắn - chú tôi - luôn cố thể hiện là người biểu hiện tâm thần: lờ đờ, chạy lên rừng, khi đánh mẹ tôi xong thì cuối buổi chiều sang xin lỗi, đưa tiền lo cho mẹ tôi đi viện, sắp xếp đưa mẹ tôi đi chụp chấn thương... Tôi thiết nghĩ cả gia đình chú tôi và cả họ hàng lên kế hoạnh thực hiện những việc làm trên để hủy chứng cứ vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm pháp lý. Trước đây khoảng ba năm, chú tôi cũng lợi dụng mê tín là bị "ma má" cầm dao sang truy sát và đánh bố tôi
 

Từ những tình tiết trên, xin luật sư cho biết gia đình tôi phải thực hiện trình tự tố tụng như thế nào, theo trình tự các bước ra sao ? Gửi đơn thư Những loại hồ sơ nào là cần thiết? Hiện nay gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi luôn lo lắng khi ở nhà một mình. Vì thù oán cá nhân và viện cớ tâm thần hắn có thể có những hành vi tương tự và nguy hiểm đến tính mạng của mọi người trong gia đình tôi. Xin chân thành cảm ơn!

 

LUẬT MINH GIA TƯ VẤN CHO BẠN NHƯ SAU:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì người chú của bạn có những hành vi gây thương tích cho mẹ bạn rồi sau đó giả vờ tâm thần.

 

Trường hợp này, trước hết gia đình bạn cần làm đơn trình báo với cơ quan công an để họ có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hành vi của chú bạn có thể cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), theo đó:
 

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
 

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
 

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
 

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
 

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
 

e) Có tổ chức;
 

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
 

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
 

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

 

Như vậy, trong trường hợp này trước hết gia đình bạn cần làm đơn trình báo với cơ quan công an để họ tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, gia đình bạn cũng có thể làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành giám định tỷ lệ thương tật để làm căn cứ khởi tố.

 

Về việc chú bạn có bị bệnh tâm thần hay không cũng cần phải có cơ quan trưng cầu giám định kết luận. Về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người bị bệnh tâm thần được quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự như sau:
 

“1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
 

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịutrách nhiệm hình sự”.

 

Do vậy, trường hợp này cần phân biệt rõ:

 

- Khi thực hiện hành vi phạm tội, chú của bạn mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

 

- Khi thực hiện hành vi phạm tội, chú của bạn vẫn có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Hình sự trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, chú của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Như vậy, nếu như chú bạn bị bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi này thì cũng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Năng lực trách nhiệm hình sự của người bị bệnh tâm thần. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo