Luật sư Việt Dũng

Muốn khởi tố hình sự về tội trộm cắp tài sản cần cấu thành hành vi nào?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về hành vi lén lút trộm cắp tài sản của người khác theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Nội dung tư vấn như sau:

Nhà của anh trai em bị trộm đột nhập vào nhà, đập cửa lấy đi 2,4 lượng vàng. Sự việc được trình báo cho cơ quan cảnh sát xã và huyện lập biên bản và điều tra. Khoảng 1 tháng sau, nhà của anh K lại tiếp tục bị trộm, vì cảnh giác lần trước nên lần này tài sản là 5 bộ đồ phụ nữ, sự việc cũng được trình báo cho cơ quan chức năng, nhưng cũng chưa có kết quả.khoảng 4 tháng sau, nhà anh K lại tiếp tục bị trộm, tài sản là 2 bộ đồ phụ nữ. nhưng lần này nhà anh K có lắp camera nên toàn bộ quá trình trộm cắp, cũng như hình ảnh tên trộm được ghi hình thấy rõ. Sự việc cũng được trình báo cơ quan chức năng, sau đó tên trộm đuợc mời về cơ quan làm việc,  và đã khai báo là đã 2 lần vào nhà anh K trộm, nhưng chỉ lấy quần áo chứ không lấy vàng. Cho em hỏi, tên trộm đã vào nhà 2 lần như vậy có đủ để khởi tố không. Vì nhà người ta trước đó đã mất tài sản lớn, mà tên trộm này lại bạo gan vào đến 2 lần, rất có khả năng lần đầu cũng là tên này xin tư vấn cho em ý kiến ạ. Em rất cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Trước hết hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật hình sự năm 2015 phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết. Theo đó, Bộ luật hình sự 2015 quy định:

 

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 



a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; 


b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 


c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 
 
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 


đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

......

Như vậy, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản khi đáp ứng đầy đủ những dấu hiệu trên. Hiện tại gia đình bạn chỉ có căn cứ ghi nhận người này lấy trộm bộ đồ phụ nữ chứ chưa có căn cứ khẳng định việc bị lấy mất 2,4 lượng vàng là do người này lấy. Đồng thời việc suy đoán người này đã vào nhà K lấy trộm 2 lần đồng nghĩa lần đầu tiên bị trộm cũng do người này là không có cơ sở.  Để giải quyết điều tra vụ việc cơ quan công an sẽ căn cứ vào nguồn chứng cứ bao gồm cả lời khai, vật chứng, lời trình bày, file ghi âm, ghi hình,….. để làm rõ vụ việc. Cho nên để xác định người này có chịu trách nhiệm hình sự vì 2 lần trộm quần áo hay không phải xác định giá trị bộ đồ bị mất có đủ để cấu thành tội trộm cắp tài sản trên hay không. Nếu giá trị tài sản có giá trị đến 2 triệu hoặc dưới 2 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về các tội theo quy định trên mà còn tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo