LS Vy Huyền

Mức xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là gì? Các yếu tố cấu thành tội này? Có phải hành vi nào gây tổn hại sức khoẻ cho người khác cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mức xử phạt đối với tội này là như thế nào?

1. Luật sư tư vấn tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

Con người là nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển xã hội. Do đó, bảo vệ con người nói chung, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng con người nói riêng là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia. Trong Luật Hiến pháp của nước ra cũng quy định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tại Bộ luật hình sự cũng có một chế đinh riêng quy định các tội xâm pham tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

Theo đó, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được hiểu là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự đã cố ý thực hiện hành vi gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác một cách trái pháp luật, xâm phạm quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ của con người theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, không phải hành vi nào gây tổn hại cho sức khỏe người khác cũng đủ yếu tố cấu thành tội này. Trong trường hợp bạn cần hỗ trợ các quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  

2. Trường hợp 2 người có mâu thuẫn đánh nhau thì có bị truy cứu TNHS không?

Câu hỏi: Em có xảy ra mâu thuẫn với một người, người đó ra tay đánh em trước. Em bức xúc và nhào lại đánh đối phương. Lúc đó trên tay đối phương có cầm chiếc chìa khóa xe nên đã đâm vào đầu em, gây cho em bị chấn thương chảy máu tét da đầu 2cm. Sau vài ngày,  công an Lập biên bản vi phạm hành chính về Trật Tự Đô Thị, phạt cả hai 750.000Đ. HỎI: Công an giải quyết như vậy có đúng không, bên gây thương tích cho em có bị truy tố trách nhiệm hình sự không?

Trả lời tư vấn. Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Về mức xử phạt hành chính: Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Mức xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội như sau:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

Từ đây có thể đây cơ quan Công An đã làm đúng theo quy định của pháp luật khi xử phạt cả hai bạn do cả hai người đều có hành vi đánh nhau và gây rối trật tự công cộng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích: 

Để xác định nếu bên gây thương tích phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, ta cần căn cứ vào mức độ thương tật của bạn.

Thứ nhất, nếu tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự:

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

E) Có tổ chức;

G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Thứ hai, trong trường hợp tỷ lệ thương tật của bạn dưới 11% hoặc không thuộc các trường hợp tại khoản 1 điều 104 BLHS đã nêu trên thì người gây thương tích có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ – CP thì đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Do đó, bạn cần phải xác định chính xác tỉ lệ thương tật do người kia gây ra để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Mức xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo