Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản theo quy định hiện hành

Trong nhóm tội phạm liên quan đến quyền sở hữu, tội trộm cắp tài sản là một loại tội phạm diễn ra phổ biến và ngày càng gia tăng với tính chất chuyên nghiệp, tinh vi hơn gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xác định và xử lý hành vi vi phạm.

1. Luật sư tư vấn tội trộm cắp tài sản

Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, lợi dụng sơ hở của người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ. Hành vi trộm cắp tài sản thường xảy ra khi người bị hại lơ là cảnh giác hoặc diễn ra ở những nơi gây khó khăn cho quá trình xác định và xử lý. Hiện nay hành vi trộm cắp tài sản gây nên nhiều hậu quả lớn, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Hành vi trộm cắp tùy từng mức độ sẽ có các mức xử lý khác nhau, do đó để được tư vấn cụ thể về hành vi phạm tội này quý khách hàng có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được chúng tôi tư vấn cụ thể các vấn đề pháp luật liên quan.

2. Mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản

Nội dung câu hỏi tư vấn: Chào luật sư Minh Gia. Nhờ luật sư tư vấn giúp. Em có đứa bạn (A) phạm tội ăn trộm số tiền 68 triệu 500 nghìn. Sau khi lên cơ quan công an, bạn e đã nhận tội và hoàn trả lại số tiền 68 triệu 500 nghìn và được cơ quan công an ghi vào bản án tự thú (đầu thú). Và bên gia đình bị hại cũng không có ý định khởi tố vụ án ra tòa. Hiện nay bạn em đang bị tạm giam tại cơ quan công an thành phố. Vậy luật sư cho e hỏi là bạn em có bị tố tụng hình sự không? Và nếu bị tố tụng thì mức án nào ạ.

Xin cảm ơn luật sư ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo thông tin bạn cung cấp, A có thực hiện hành vi trộm cắp số tiền 68.500.000 đồng và hiện tại đang bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ. Nếu trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm trộm cắp này thì A có thể bị tuy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

.…”

Bên cạnh đó, Khoản 1 điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, như sau:

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

...”

Như đã phân tích ở trên, A phạm tội tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không thuộc các tội khởi tố theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tức nghĩa việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Việc người bị hại rút đơn không phải là căn cứ để A không bị truy cứu trách nhiệm. Nếu cơ quan công an có đủ căn cứ chứng minh A đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định đã nêu trên.

Thứ hai, xác định khung hình phạt

Theo như đã phân tích ở phần thứ nhất, mức hình phạt của A có thể ở Khoảng 2 Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Tuy nhiên, tại Điều 54 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, như sau:

Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này…..”

 Và căn cứ theo điều 51 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như sau:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

…”

Nếu bạn của bạn có hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 đã nêu trên thì căn cứ theo Điều 54 tòa án có thể quyết đinh một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Cụ thể, trong trường hợp này, mức hình phạt bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm được quy định tại khoản 1 điều 173 là khung hình phạt liền kế nhẹ hơn của điều 173 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

Như vậy, trong trường hơp này nếu xác định được bạn của bạn có hai tình tiết giảm nhẹ thì mức án mà Tòa án có thể áp dụng cho bạn của bạn là bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.                      

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo