Phạm Diệu

Giấy khám sức khỏe là gì? Mua bán giấy khám SK bị xử lý thế nào?

Hiện nay, tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe trở nên phổ biến dù đó là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người dân cho rằng họ cảm thấy chán nản khi đến các cơ sở y tế hay bệnh viện để làm thủ tục khám sức khỏe bởi rất rườm rà và mất thời gian. Do đó, nhiều đối tượng đã bắt đầu hoạt động mua bán giấy khám sức khỏe nhằm lừa dối các cơ quan nhà nước và thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật này. Vậy giấy khám sức khỏe là gì? Mua bán giấy khám sức khỏe bị xử lý như thế nào? Luật Minh Gia cung cấp tới bạn đọc bài viết dưới đây về các vấn đề liên quan về giấy khám sức khỏe.

1. Giấy khám sức khỏe là gì?

Giấy khám sức khỏe là một loại giấy tờ được cơ sở y tế, bệnh viện cấp cho người đăng ký khám sức khỏe để xác nhận tổng quát về tình trạng sức khỏe. Giấy khám sức khỏe được sử dụng phổ biến khi người lao động đi xin việc; học sinh, sinh viên nhập học; công dân kết hôn với người nước ngoài...

Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định về Cấp Giấy khám sức khỏe như sau:

1. Giấy khám sức khỏe được cấp 01 (một) bản cho người được khám sức khỏe. Trường hợp người được khám sức khỏe có yêu cầu cấp nhiều Giấy khám sức khỏe thì cơ sở khám sức khỏe thực hiện như sau:

a) Tiến hành việc nhân bản (photocopy) Giấy khám sức khỏe đã có chữ ký của người kết luận trước khi đóng dấu. Số lượng Giấy khám sức khỏe được nhân bản theo yêu cầu của người được khám sức khỏe;

b) Sau khi tiến hành việc nhân bản, thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào Giấy khám sức khỏe bản photocopy và đóng dấu theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

Theo quy định trên thì giấy khám sức khỏe được cấp 1 bản cho người khám sức khỏe. Người dân cần phải đến cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện theo các trình tự, thủ tục để được cấp giấy khám sức khỏe. Giấy khám sức khỏe chỉ có giá trị sử dụng khi có xác nhận của trưởng khoa hoặc của bác sĩ khám trực tiếp cho người đó.

Ngoài ra, Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT cũng quy định về thời hạn của giấy khám sức khỏe như sau:

- Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe; Đối với khám sức khỏe cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì giá trị của Giấy khám sức khỏe theo quy định của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà người lao động Việt Nam đến làm việc;

-  Kết quả khám sức khỏe định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Mua bán giấy sức khỏe bị xử lý như thế nào?

Mua bán giấy khám sức khỏe là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào hành vi, tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu hỏi: Xin chào cty Luật Minh Gia. Gia đình tôi có chuyện muốn tham khảo ý kiến cty. A họ tôi có sau lần đi khám sức khỏe trên hà nội có nói chuyện với 1 người về làm giấy khám sức khỏe giả. Sau đó về nhà a có mua 2 con dấu chữ về nhà tự làm và bán được vài lần thì bị cơ quan điều tra tạm giữ. Trong quá trình điều tra a tôi có thành khẩn khai báo. Hiện tại thì a tôi đang phải chữa trị bệnh về thần kinh do thỉnh thoảng bị mất tự chủ, co giật. Tôi muốn hỏi là trường hợp như vậy khi đưa ra tòa án xét xử sẽ bị phạt như thế nào. Tình tiết giảm nhẹ ra sao và cần có căn cứ nào để tòa xét mức án nhẹ nhất cho a tôi hay không? Tôi mong sớm nhận được câu trả lời từ cty. Xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Hành vi mua bán giấy khám sức khỏe giả được coi là làm giả giấy tờ của cơ quan, nhà nước nhằm thu lợi bất chính.

Tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Theo như thông tin anh/chị cho biết, người anh họ có hành vi mua 2 con dấu chữ về nhà tự làm giả giấy khám sức khỏe và bán giấy khám sức khỏe đó. Căn cứ quy định trên, trường hợp này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 341 với khung hình phạt có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Căn cứ tại Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Nếu trường hợp người anh họ có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Đây là căn cứ để Tòa án xem xét giảm nhẹ mức hình phạt.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo