LS Ngọc Anh

Luật sư tư vấn về trường hợp tạm giam người có hành vi trộm cắp tài sản

Bạn em bị 1 người em họ và 1 người nữa rủ thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 75 triệu đồng tại 1 siêu thị do công ty nước ngoài đầu tư, sau đó bán được 57 triệu, bạn em được chia 10 triệu, số còn lại 2 người kia chia đôi. Hiện tại đang bị tạm giam 2 tháng chờ tòa xử. Vậy bạn em sẽ bị tạm giam bao lâu nữa và trong thời gian đó người nhà phải làm cách nào để được thăm? Cụ thể nội dung tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Em chào các anh, chị tại công ty luật Minh Gia!

Em có một số thắc mắc nhờ anh, chị giúp đỡ em.

Bạn em bị 1 người em họ và 1 người nữa  rủ  thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 75 triệu đồng tại 1 siêu thị do công ty nước ngoài đầu tư, sau đó bán được 57 triệu, bạn em được chia 10 triệu, số còn lại 2 người kia chia đôi. Hiện tại đang bị tạm giam 2 tháng chờ tòa xử.

Vậy em muốn hỏi:

- Bạn em sẽ bị tạm giam bao lâu nữa và trong thời gian đó người nhà phải làm cách nào để được thăm?

- Tòa sẽ xử bạn em bao nhiêu năm tù (người nhà đã gửi đơn đề nghị giảm án vì gđình bạn ấy nghèo, mẹ già, vợ mới sinh em bé)

Em rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía các anh chị.

Em chân thành cám ơn!
 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về thời hạn tạm giam. Hiện tại thì bạn của bạn đang bị tạm giam, căn cứ theo Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam chờ xét xử thì: “2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này.”.

 

Tại Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

 

Điều 277. Thời hạn chuẩn bị xét xử

 

1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

 

a) Đưa vụ án ra xét xử;

 

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

 

c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

 

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

 

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

 

Theo quy định trên, thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn. Ngoài ra, đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án có thể ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

 

Như vậy, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử tối đa (kể cả gia hạn) là 75 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 90 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 120 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn này có thể lên đến 150 ngày.

 

Về việc vào thăm người bị tạm giam thì căn cứ Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam như sau:

 

1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

 

2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;

 

không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.

 

Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

 

3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.

 

Như vậy, trong thời gian bị tạm giam thì bạn của bạn có quyền được gặp người thân theo quy định của pháp luật. Bạn có thể nói với người thân bạn của bạn đến nơi tạm giam để được gặp.

 

Thứ hai, trách nhiệm hình sự

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

 

đ) Hành hung để tẩu thoát;

 

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

 

g) Tái phạm nguy hiểm.

…”.

 

Như vậy thì trong trường hợp bạn của bạn theo chúng tôi sẽ thuộc vào trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 173 Bộ Luật hình sự phạm tội có tổ chức. Khung hình phạt tối đa là đến 7 năm tù, do vậy mà đây là loại tội phạm nghiêm trọng.

 

Ở đây bạn của bạn và 2 người khác đã có hành vi tổ chức trộm cắp tài sản. Khung hình phạt đối với hành vi phạm tội trộm cắp tài sản có tổ chức là từ 2 năm đến 7 năm tù. Việc tòa xử bạn của bạn bao nhiêu năm tù còn phải căn cứ vào các tình tiết của vụ án và các tình tiết tăng giảm trách nhiệm hình sự khác do vậy mà chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời chính xác trong trường hợp này được.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo