Luật sư Phùng Gái

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quy định về tạm giam trong tố tụng hình sự?

Câu hỏi tư vấn: Em làm cho 1 công ty nước ngoài. Do cách quản lí lỏng lẻo nên em đã gian lận giấy tờ và chữ kí để chiếm đoạt 19 triệu, sau đó em nghỉ làm ở công ty. Mấy tháng sau công ty phát hiện và gửi đơn tố cáo, công an kêu em lên làm việc thì em đã thành khẩn khai hết mọi việc cho công an, em đã khắc phục hậu quả là giao trả số tiền đó lại cho công ty.

 

Em hiện có con 3 tuổi, bố là thương binh và lần đầu tiên vi phạm pháp luật. Nơi em cư trú là tỉnh đak nông còn nơi điều tra là tỉnh kon tum. Em thì không rõ về mấy vấn đề liên quan đến pháp luật, em nghe anh công an điều tra nói hồ sơ của em thì cuối tháng này bắt đầu khời tố. Vậy anh chị cho em hỏi trường hợp của em là có bị bắt tạm giam trước khi ra tòa không? Với những tình tiết đó em nằm trong khung hình phạt nào? 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì trong trường hợp của bạn việc lợi dụng cách quản lý lỏng lẻo của công ty để gian lận giấy tờ, chữ ký (hành vi gian dối, có ý định, lên kế hoạch lừa gạt ngay từ đầu trước khi thực hiện hành vi phạm tội) nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty với số tiền 19 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời với số tiền chiếm đoạt được, lần đầu phạm tội thì sẽ áp dụng theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 này. Cụ thể

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

 

- Thứ hai, quy định về tạm giam trong tố tụng hình sự.

 

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về tạm giam. Cụ thể:

 

 

“Điều 119. Tạm giam

 

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

 

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

 

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

 

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

 

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

 

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

 

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này..”

 

Theo đó, với trường hợp của bạn sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho rằng bạn có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội,... theo quy định nêu trên.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo