Luật sư Lê Văn Chức

Bảo vệ danh dự khi bị vu khống thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn về trường hợp bảo vệ danh dự khi bị vu khống như sau: Tôi có 1 em gái yêu một người đàn ông đã có vợ, sau khi biết được sự việc em gái tôi đã chia tay nhưng hắn doạ nạt uy hiếp em tôi. Hắn còn vu khống em tôi chiếm đoạt tài sản của 1 người mà em tôi không biết. Xin hỏi luật sư có cách nào để chứng minh sự trong sạch của em tôi.

1. Làm thế nào để bảo vệ danh dự khi bị vu khống?

Câu hỏi:

Chào luật sư: Tôi có 1 em gái, đã từng có mối quan hệ yêu đương với 1 người đàn ông. Sau 1 thời gian em gái tôi phát hiện anh ta có vợ. Em gái tôi đã chia tay. Nhưng anh ta uy hiếp, bắt em tôi phải quay lại yêu đương với anh ta. Nếu không anh ta sẽ hại cho không còn gì cả. Anh ta là 1 luật sư. Hàng ngày ngoài việc dùng sim rác nhắn tin, dùng mail giả để uy hiếp, anh ta còn theo dõi và uy hiếp trực tiếp.

Sau 1 thời gian uy hiếp nhưng em tôi vẫn không chịu. Anh ta quay ra vu khống em tôi chiếm đoạt tài sản của 1 người mà em tôi chưa bao giờ gặp và biết tên. Sau đó anh ta còn nói anh ta sẽ ra làm chứng để kiện em tôi không còn gì: cho em tôi không thể yêu được ai và cũng không thể làm việc được. Trước tình hình như vậy, tôi mong luật sư cho tôi 1 giải pháp và có cách nào để lấy lại sự trong sạch cho bản thân em tôi, rũ bỏ được người đàn ông đó và sống cuộc sống bình thường. Hãy tư vấn cho tôi quy định pháp luật về trường hợp này. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

- Quy định về tội vu khống

Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và các văn bản liên quan quy định vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Tội vu khống được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật... Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó. Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh...

Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.

- Xử lý hành vi vu khống

Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự về tội vu khống như sau:

“Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

…”.

Với những thông tin bạn cung cấp, trường hợp chứng minh được người bạn trai này thực hiện những hành vi chúng tôi nêu trên, có thiệt hại thực tế xảy ra liên quan đến quyền và lợi ích của cô em gái bạn thì bạn hoặc em gái có quyền gửi đơn nhờ sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trước khi tố giác đề nghị bạn và em gái thu thập toàn bộ những nội dung trò chuyện qua các phương tiện, và những tài liệu, chứng cứ khác để tăng tính thuyết phục khi xử lí hành vi của đối tượng này.

---

2. Tư vấn xử lý trường hợp bị người khác vu khống

Câu hỏi:

Dạ chào Luật Sư!  em có một vấn đề rắc rối mong luật sư tư vấn giúp em! Trước đây em có quen một người sau đó chia tay vì không hợp. Cách đây khoảng nửa tháng không rõ chuyện người này đã bị một người khác đưa lên mạng xã hội Facebook nói xấu với nhiều hình ảnh và lời nói xúc phạm.

Nhưng người này không điều tra kỹ là ai đã làm mà lại đổ lỗi và kiện em đã làm việc này là xúc phạm danh dự nhân phẩm cô ấy, cô ấy đã gửi đơn đến cơ quan của em, Công an, viện kiểm sát nơi em ở và làm việc. Cơ quan em mời em lên làm việc và đình chỉ công tác khi sự việc chưa rõ ràng em đã vào Facebook và tìm được tài khoản, số điện thoại người đã đăng hình cô ấy và đã ghi âm cuộc gọi người này thừa nhận do mâu thuẫn với người kia nên đăng lên cho hả giận. Em có 3 vấn đề mong luật sư giúp.

1/ Với chứng cứ trên em có thể minh oan cho em không?

2/ Cơ quan đình chỉ công tác em là đúng không? 

3/ Khi sự việc sáng tỏ em có quyền khiếu nại nại người này đã vu khống em không? Và quy trình như thế nào? 

Xin cảm ơn luật sư !

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc công ty đã đình chỉ công tác bạn

Thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng về việc công ty áp dụng hình thức tạm đình chỉ công tác hay áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Bộ luật lao động năm 2012 có quy định như sau:

“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

…”

“Điều 129. Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

…”.

Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp của bạn công ty bạn sẽ không có quyền tạm đình chỉ công tác hoặc áp dụng kỷ luật sa thải bạn với lý do mà bạn cung cấp trong nội dung câu hỏi tư vấn. Trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có quyền làm đơn khiếu nại đến ban giám đốc, lãnh đạo của công ty để được giải quyết. Trường hợp công ty không giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty bạn có trụ sở (khi có đầy đủ căn cứ để xác định rằng quyền lợi của mình đang bị xâm phạm).

Thứ hai, về việc xử lý hành vi của bạn gái cũ của bạn

Tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội vu khống như sau:

“Xem trích dẫn tại phần tư vấn (1)

Theo đó, đối với hành vi của bạn gái cũ của bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vu khống. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì hành vi thuộc Khoản 1 Điều 156 BLHS để có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì phải có yêu cầu của người bị hại.

Trường hợp không có căn cứ để khởi tố với tội vu khống thì trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn bị xâm phạm thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này. Tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, trường hợp anh về việc bồi thường thiệt hại trước hết sẽ do hai bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường và mức bồi thường sẽ áp dụng quy định trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo